Văn hóa - Giáo dục

Giỗ Tổ Hùng Vương Hướng về nguồn cội

09:09, 25/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đã trở thành phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa, hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, cùng với cả nước, người dân xứ Nghệ lại hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước.

Đã trở thành phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa, hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, cùng với cả nước, người dân xứ Nghệ lại hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước.
Đã trở thành phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa, hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, cùng với cả nước, người dân xứ Nghệ lại hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước.
Đền Hồng Sơn, TP Vinh những ngày này rất đông người dân thành phố và các vùng lân cận đến thắp hương, bày tỏ lòng thành kính đối với các vị vua Hùng. Đây là ngôi đền duy nhất ở TP Vinh thờ Hùng Vương - Người có công dựng nước. Hiện nay, đền vẫn lưu giữ bài vị 18 đời vua Hùng tại cung trung điện để phục vụ nghiên cứu khoa học, sinh hoạt văn hóa tâm linh và văn hóa du lịch.Hàng năm, cứ đúng ngày 10/3 âm lịch, UBND TP Vinh lại tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất cả phần lễ, phần hội và công tác đảm bảo ANTT. Ông Hồ Công Tiến, Phó Trưởng Ban quản lý đền Hồng Sơn cho biết: Đền Hồng Sơn nằm gần chợ Vinh, vì vậy số lượng người dân đi lại rất đông, nhất là vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Để đảm bảo ANTT tại đền, Ban quản lý đã trực tiếp tham mưu cho UBND thành phố huy động lực lượng, có phương án đảm bảo ANTT, phân luồng, điều tiết và chống ùn tắc giao thông tại khu vực tổ chức lễ hội, quyết tâm đảm bảo lễ hội diễn ra tuyệt đối an toàn, trang nghiêm, thành kính. 
 
Cũng như mọi năm, giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ diễn ra long trọng, gồm 2 phần: Phần lễ có dâng hương, dâng hoa, văn tế công đức vua Hùng, tiễn cỗ và lễ dâng bánh chưng, bánh dày trước bàn thờ của các vua Hùng. Ngoài các cá nhân, mỗi cơ quan, phường, xã đóng trên địa bàn cũng làm 1 cỗ dâng lên vua Hùng. Phần hội có biểu diễn võ thuật truyền thống, thi kéo co, bóng chuyền giữa các phường, xã… Bà Nguyễn Thị Thanh trú tại phường Trường Thi, TP Vinh cho biết: Cứ đến ngày giỗ Tổ, không ra được đền Hùng Phú Thọ để thắp hương, tôi lại cùng gia đình đến dâng hương tại đền Hồng Sơn để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
 
Cùng với đền Hồng Sơn, đã thành thông lệ, tại đền Cuông thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu những ngày này rất đông du khách thập phương đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ vua Thục An Dương Vương, vị vua Hùng thứ 18 của dân tộc. Hàng năm, tại đền, UBND huyện Diễn Châu đều tổ chức lễ giỗ Tổ theo nghi thức truyền thống. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng. Các sản vật như bánh chưng, bánh dày, thủ lợn được dâng lên cúng tế. Phần hội với nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, đánh cờ…Trong dịp ngày giỗ Tổ, ngành văn hóa huyện Diễn Châu cũng chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, các dòng họ hướng về cội nguồn với nhiều hoạt động phong phú; các trường học tổ chức cho học sinh giao lưu, tọa đàm, nói chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc… Thông qua các hoạt động nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
 
Có thể nói, giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người con xứ Nghệ nói riêng, người dân đất Việt nói chung. Để rồi “Dù ai đi ngược về xuôi\ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”.
Phan Tuyết

Các tin khác