Văn hóa - Giáo dục
Ấn tượng Hội thi hát dân ca trong trường học
(Congannghean.vn)-Mang nhiều màu sắc, có nhiều ý tưởng mang tính giáo dục cao, đậm chất nhân văn, sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, Hội thi hát dân ca trong trường học đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Giải Nhất toàn đoàn thuộc về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn.
Mỗi tiết mục tại Hội thi đều mang tính giáo dục cao |
Hội thi hát dân ca trong trường học bắt đầu từ ngày 19 - 21/4. Đây là lần thứ IV, Hội thi được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh cùng sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Để cuộc thi được triển khai hiệu quả, trước đó, tại cuộc họp các thành viên trong Ban tổ chức đã nghe và cho ý kiến về công tác tổ chức. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đề xuất các điều kiện đảm bảo về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính, cơ cấu giải thưởng và công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hội thi. Hội thi năm nay mỗi huyện, thành, thị thành lập 1 đội tham gia với các tiết mục đơn ca, đối ca, hoạt ca, hoạt cảnh, diễn xướng; với tỉ lệ 70% số tiết mục dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; 30% dân ca cải biên đặt lời mới.
Có thể thấy, Hội thi hát dân ca trong trường học được tổ chức nhằm mục đích duy trì phong trào học và hát dân ca trong nhà trường, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước, góp phần đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thông qua Hội thi nhằm gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân ca ví, giặm xứ Nghệ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Hội thi năm nay có 77 tiết mục với 800 học sinh, giáo viên đến từ 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh tham gia. Năm nay, các đội đưa đến cho người xem những tiết mục phong phú về thể loại, có sự đầu tư dàn dựng công phu, nghiêm túc và chất lượng. Một số tiết mục có ý tưởng, chủ đề mới, hay, thiết thực, có tính giáo dục cao, tính nhân văn sâu sắc, gây xúc động cho người xem.
Đặc biệt, tại Hội thi lần này, bên cạnh những thí sinh từng tham gia biểu diễn mang lại nhiều thành công cho hội thi các năm trước như em Hà Quỳnh Như đến từ huyện Yên Thành thì còn xuất hiện nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, đầy triển vọng, sở hữu chất giọng ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca và phong cách biểu diễn khá tự tin, như em Nguyễn Hữu Đạt đến từ huyện Nam Đàn, em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi đến từ huyện Nghĩa Đàn…
Tại Hội thi, người xem được lắng mình trong những làn điệu dân ca, câu hò, ví giặm nguyên gốc như điệu “Hát ru” của huyện Quỳ Châu, hay những tiết mục dân ca cải biên, đặt lời mới như tiết mục “Nam Đàn đất học” của huyện Nam Đàn, “Hành hương về quê Bác” của huyện Nghĩa Đàn. Có nhiều tiết mục mang làn điệu dân ca gốc của các dân tộc như Khơ Mú, Mông, Thổ, Thái.
Từ thành công của Hội thi, Ban tổ chức cũng phát động phong trào dạy và hát dân ca trong nhà trường giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời đề xuất các định hướng, biện pháp thích hợp để làm cho dân ca ví, giặm, dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An ngày càng được duy trì, phát huy trong các nhà trường nói riêng, nhân dân, cộng đồng nói chung.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 12 giải tập thể. Trong đó, giải Nhất thuộc về huyện Nam Đàn, giải Nhì thuộc về 2 huyện Yên Thành, Thanh Chương; giải Ba thuộc về 3 huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông, Diễn Châu. Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã trao 40 giải (A, B, C) cho các tiết mục xuất sắc, các giải triển vọng, giải phụ dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất và tác giả tự biên xuất sắc. Dịp này, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã phối hợp chiêu sinh tuyển thẳng 8 học sinh xuất sắc vào trường.
Phan Tuyết