Văn hóa - Giáo dục

Đổi mới hoạt động tại các trung tâm ngoại ngữ

09:37, 24/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đổi mới công tác tổ chức, hoạt động tại các trung tâm ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn công tác dạy và học là một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Hội nghị tổng kết các hoạt động đào tạo tin học, ngoại ngữ do Sở GD&ĐT tổ chức vừa qua.

Năm 2017, nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ đã tuyển dụng thêm giáo viên nước ngoài (Ảnh minh họa)
Năm 2017, nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ đã tuyển dụng thêm giáo viên nước ngoài (Ảnh minh họa)

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, toàn tỉnh có 69 trung tâm, cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ. Hầu hết các đơn vị hoạt động có hiệu quả, chấp hành nghiêm túc các quy định về nội dung, chương trình đào tạo, hồ sơ tổ chức và dạy học, điển hình như Trung tâm Anh ngữ AMA Vinh, Trung tâm Anh ngữ Asem Việt Nam… Toàn tỉnh có 3.954 lớp tiếng Anh với 49.768 lượt học viên và 15 lớp tiếng Hoa với 236 học viên. Hiện nay, tất cả các trung tâm đã được cấp phép đào tạo có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tối thiểu để tổ chức giảng dạy, hoạt động. Như khuôn viên khá rộng rãi, phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên được quan tâm đúng mức.

Các chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ đảm bảo đa dạng và mang tính linh hoạt cao, phù hợp với năng lực, lứa tuổi và nhu cầu người học. Ngoài các chương trình do Bộ GD&ĐT quy định, tất cả các chương trình, tài liệu dạy học trong các trung tâm ngoại ngữ đều được Sở GD&ĐT thẩm định, cho phép và đều được kèm theo quyết định cấp phép đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, đa số giáo viên giảng dạy tại các đơn vị đủ số lượng, đạt chuẩn đào tạo, có năng lực, chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Các đơn vị cũng đã tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động của các đơn vị đào tạo tin học, ngoại ngữ vẫn đang tồn tại những bất cập như: Chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đào tạo tin học, ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Một số huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu đến nay chưa có trung tâm ngoại ngữ hoặc quy mô và khả năng còn hạn chế. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị chưa mang tính chiến lược lâu dài, chưa đáp ứng được sự đa dạng hóa người học hiện tại. Hầu hết các trung tâm, cơ sở đều thuê nhà ở hoặc công trình xây dựng trên đất để cải tạo nên khuôn viên và môi trường sư phạm chưa thật sự phù hợp.

Ngoài ra, một số đơn vị quản lý chưa nghiêm việc thực hiện chương trình của giáo viên; việc kiểm tra giáo án, nội dung giảng dạy của giáo viên ở một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, sinh hoạt chuyên môn còn ít. Đặc biệt, chưa thành lập được các đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Tháng 8/2017, Sở GD&ĐT tổ chức thanh tra chuyên đề tại 12 đơn vị đào tạo ngoại ngữ. Qua thanh tra, Sở lập biên bản đình chỉ hoạt động 2 đơn vị là Trung tâm Anh ngữ Olympia và Trung tâm Anh ngữ Blue Sky do tổ chức hoạt động trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động. Có hiện tượng trung tâm mở thêm cơ sở nhưng chưa được Sở GD&ĐT kiểm tra cho phép dẫn tới không phù hợp quy hoạch, có trung tâm tổ chức tuyển sinh, đào tạo khi chưa có quyết định cho phép thành lập và quyết định cấp phép đào tạo…

Theo quy định của Nhà nước, đến tháng 7/2018, các cơ sở phải chuyển đổi thành trung tâm ngoại ngữ. Nhằm đổi mới công tác tổ chức, hoạt động tại các trung tâm ngoại ngữ, tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã được đưa ra xoay quanh các nội dung như công tác thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý Nhà nước, công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ giáo viên (nhất là giáo viên nước ngoài) thực hiện đúng pháp luật nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Gia Khánh

Các tin khác