(Congannghean.vn)-Có lẽ vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể “hạ nhiệt”, khi mà các bậc phụ huynh “khoán trắng” hoàn toàn cho nhà trường từ khâu chọn thực phẩm đến khâu chế biến. Chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy trẻ phát triển lành mạnh là nhiệm vụ của ngành giáo dục và toàn xã hội. Do đó, bữa ăn bán trú của học sinh cần được các cơ quan chức năng, ngành giáo dục quan tâm hơn nữa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nỗ lực từ ngành giáo dục
Toàn tỉnh hiện có 529 trường mầm non, hầu hết các trường đều có bếp ăn bán trú. Theo ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh cho biết: Ngay vào đầu năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các phòng GD&ĐT huyện, thành, thị thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm và sử dụng thực phẩm tại đơn vị, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cơ quan y tế, cơ quan quản lý trên địa bàn; đồng thời, xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ và học sinh ở các độ tuổi, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Sở cũng tích cực chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú, có bếp ăn tập thể bố trí phù hợp các vị trí như: Bếp nấu, khu chế biến thức ăn, khu để thức ăn chín… riêng biệt; đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng; tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm hàng ngày; thường xuyên vệ sinh nhà ăn, các dụng cụ sinh hoạt đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn diện cho trẻ - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước |
Để hạn chế các rủi ro trong việc tổ chức ăn bán trú trong các trường học, ông Thái cho biết, hiện nay, hầu hết các trường mầm non đều thực hiện lựa chọn biện pháp thu mua thực phẩm an toàn bằng cách ký hợp đồng với các nhà sản xuất uy tín, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm và có ký kết đảm bảo ATVSTP; thực phẩm được nhập về phải có hóa đơn, chứng từ, sổ sách chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; thực hiện tốt các khâu theo đúng quy trình bếp ăn an toàn, đảm bảo ATVSTP trong các bữa ăn cho các cháu. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc do thức ăn tại trường.
Vẫn còn những nỗi lo…
Được biết, mức đóng góp bữa ăn cho trẻ dựa vào sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Các địa phương quy định mức thu dựa vào điều kiện kinh tế từng nơi. Hiện nay, mức cao nhất như ở một số trường tư thục là 30.000 - 35.000 đồng/ngày, các trường công lập ở TP Vinh là 20.000 - 25.000 đồng/ngày và các huyện miền núi thì từ 15.000 - 20.000 đồng/ngày. Khẩu phần ăn mỗi ngày đều được nhập trên phần mềm Nutrikids để phân tích khoa học cụ thể khẩu phần bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các cháu.
Tuy nhiên, nếu như các trường ở khu vực thành phố có những điều kiện thuận lợi hơn thì các trường miền núi do điều kiện khó khăn, nguồn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn chưa được nhà trường chú trọng. Phần lớn nhân viên đứng bếp chưa qua đào tạo, chủ yếu là ký hợp đồng lao động ngắn hạn nên không tạo sự gắn bó, chuyên nghiệp. Ngoài ra, các trang thiết bị, dụng cụ vẫn còn thiếu, diện tích bếp chật hẹp, ghi chép sổ sách còn sơ sài. Nhiều bếp ăn, nhất là ở các khu lẻ vẫn chưa đúng tiêu chuẩn bếp ăn một chiều như quy định.
Gần đây, trên mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh các cháu Trường Mầm non Thạch Ngàn (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) đang ăn bún, với nội dung: “Trường Mầm non Thạch Ngàn cho các cháu ăn thế này đây. Bữa ăn chính mà chỉ có bún luộc, không có miếng thịt nào nhưng mỗi ngày phụ huynh cứ đóng 15.000 đồng tiền ăn”. Ngay sau khi có thông tin, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông đã lập đoàn thanh tra phối hợp với phòng, ban chuyên môn và lãnh đạo xã Thạch Ngàn tổ chức kiểm tra bữa ăn của các cháu tại nhà trường. Kết quả kiểm tra khẳng định, hình ảnh mà phụ huynh chụp là bữa ăn phụ gồm có miến và nước hầm xương chứ không phải là miến luộc.
Đoàn xác định, không có chuyện nhà trường bớt xén khẩu phần ăn của các cháu như phụ huynh đã tố cáo. Bữa ăn của các em học sinh được đóng cố định là 15.000 đồng/suất. Trong đó, nhà trường chia ra làm 2 bữa ăn chính và phụ; bữa chính vào lúc 11 giờ hàng ngày, giá trị 10 nghìn đồng/suất ăn; bữa phụ có giá trị 4.000 đồng/suất, còn lại là phụ phí. “Nhà trường đã không chế biến các chất tạo màu dẫn đến việc phụ huynh có hiểu nhầm trên. Còn chuyện phía nhà trường bớt xét khẩu phần ăn của các cháu là hoàn toàn không đúng", ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết. Mặc dù sự việc đã được xác nhận nhưng vẫn dấy lên sự lo lắng của các bậc phụ huynh đối với bữa ăn bán trú của con em mình ở trường.
Thiết nghĩ, để trẻ có bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng và ATVSTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, bên cạnh sự đồng hành của các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSTP, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm thì rất cần sự nỗ lực từ phía nhà trường và phụ huynh.
.