Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/cai-thien-bua-an-cho-hoc-tro-vung-bien-718466/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/cai-thien-bua-an-cho-hoc-tro-vung-bien-718466/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cải thiện bữa ăn cho học trò vùng biên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 12/01/2017, 16:44 [GMT+7]

Cải thiện bữa ăn cho học trò vùng biên

(Congannghean.vn)-Ở nơi biên cương của Tổ quốc, điều kiện sinh hoạt, học tập còn gặp muôn vàn khó khăn nên học sinh thường xuyên bỏ học giữa chừng, vì thế, các thầy cô vừa dạy chữ, vừa trăn trở tìm cách để vận động, giữ chân học trò ở lại trường. Một trong những cách giữ chân học trò của thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn đó chính là mô hình trồng rau, nuôi lợn ngay bên bờ suối.

Những ngày cuối năm ở xã biên giới Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn, mùa xuân như đến sớm hơn khi những cành đào đã nở bung khoe sắc đón chào năm mới. Nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén gần 50 km là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện, ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ nằm bên bờ suối. Đây là nơi gần 400 học sinh dân tộc thiểu số của 2 xã biên giới Mường Ải và Mường Típ theo học, trong đó có tới 251 em thuộc đối tượng bán trú.

 Học sinh phụ thầy cô chăm sóc vườn rau sau giờ học
Học sinh phụ thầy cô chăm sóc vườn rau sau giờ học

Theo chân thầy Võ Đình Hào, Phó Hiệu trưởng nhà trường vượt qua con suối, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi hiện ra trước mắt mình một màu xanh tươi tốt của những luống rau. Đây chính là mô hình vườn rau mà thầy và trò nơi đây đã đổ bao mồ hôi, công sức làm nên.

Với diện tích trên 4.000 m2, mùa nào rau ấy, vườn rau xanh với đầy đủ loại như rau cải, mồng tơi, đậu… được tưới hàng ngày bằng hệ thống phun nước tự động, cung cấp rau sạch quanh năm cho học sinh trong trường. Sau mỗi giờ học, các thầy cô cùng học trò lại ra chăm sóc vườn rau. Thầy cuốc đất, trò nhặt cỏ, tưới nước, tiếng cười nói râm ran cả bản làng. Không chỉ đơn thuần là chăm sóc rau xanh, đó còn là giờ học ngoại khóa đặc biệt về kỹ năng lao động sản xuất, giúp các em thành thạo việc trồng trọt, thu hoạch.

Sở dĩ vườn rau xanh được trồng ngay sát bên trường học là vì năm 2013, trường được chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Đối với học trò nơi đây thì chủ trương này là hợp lý bởi nó sẽ giúp cho việc duy trì sĩ số học sinh, giảm được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, đối với các thầy cô thì đó cũng đồng nghĩa công việc càng vất vả hơn khi vừa dạy học, các thầy cô phải đảm nhận thêm việc quản lý, chăm sóc bữa ăn cho học trò bán trú.

Ngày trước, để có nguồn lương thực, thực phẩm các thầy cô phải ra thị trấn mua hoặc mua từ bà con dân bản, tuy nhiên chi phí rất đắt đỏ, trong khi đó với số tiền 17.000 đồng/ngày thì việc nấu 3 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho học trò là rất khó khăn. Điều đó khiến thầy cô luôn trăn trở làm thế nào để cải thiện bữa ăn cho trò, để các em có đầy đủ dưỡng chất để phát triển, học tập.

Từ những suy nghĩ, trăn trở đó, đầu năm học 2014 - 2015, thầy cô đã có một quyết định táo bạo đó là tự tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi lợn. Mảnh đất bên kia con suối được lựa chọn, tuy nhiên để cải tạo một thửa đất gồ ghề không hề đơn giản. Phải mất gần 2 tháng miệt mài tranh thủ sau giờ học, thầy và trò mới khai hoang, cải tạo được khu đất này. Sau đó, thầy trò lại hì hụi cuộc đất, đánh luống, rào vườn. Khi đã xong xuôi, các thầy lại lặn lội đi các vùng để mua giống rau, xin phân để chăm bón. Chẳng phụ công thầy trò, mùa nào thức ấy, vườn rau xanh tốt mơn mởn, đủ cung cấp rau sạch cho cả trường.

Có rau rồi, các thầy lại xây thêm chuồng nuôi lợn. Giờ đây đàn lợn của trường cũng đã có hơn 20 con. So với mùa hè thì mùa này việc bảo quản thịt lợn dễ hơn, vì vậy thịt thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của học trò. Tuy nhiên, do điều kiện về điện và cơ sở vật chất nên việc cất trữ thịt lợn chưa đảm bảo, nên mỗi tháng các em mới chỉ được ăn vài ba bữa cơm có thịt. Biết là khó khăn nhưng việc tổ chức cho các em có một bữa ăn đầy đủ như thế là cả sự tâm huyết, mồ hôi công sức của các thầy cô trường Nậm Típ.

Với đồng bào ở biên giới thì cái đói, cái nghèo luôn là nỗi lo ám ảnh từ bao đời nay, cũng bởi thế mà hành trình gieo chữ của các thầy cô nơi đây nhọc nhằn hơn nhiều so với những nơi khác. Nếu không xuất phát từ tình yêu thương, sự tâm huyết thì không một thầy cô nào có thể bám trụ lại nơi đây. Thế mà ngoài dạy học, họ còn tự tay xới đất trồng trọt, chăn nuôi để học trò có được bữa cơm no đủ.

Thầy Võ Đình Hào cho biết: “Từ ngày có vườn rau, chuồng lợn, bữa ăn của học sinh bán trú đã được cải thiện rất nhiều, có được nguồn thực phẩm sạch nên thầy cô hoàn toàn yên tâm. Dù vất vả đôi chút nhưng thấy các em có bữa cơm no đủ, yên tâm đi học, tình trạng bỏ học giảm hẳn so với trước đây thì đối với những người giáo viên vùng biên như chúng tôi đó đã là một niềm vui lớn”.

.

Anh Quân

.