Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/nghe-nhan-nguoi-luu-giu-gia-tri-ban-sac-van-hoa-717379/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/nghe-nhan-nguoi-luu-giu-gia-tri-ban-sac-van-hoa-717379/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghệ nhân: Người lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 06/01/2017, 08:04 [GMT+7]

Nghệ nhân: Người lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa

(Congannghean.vn)-Những nghệ nhân đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng ở họ có chung niềm đam mê với văn hóa vùng miền. Họ chính là “linh hồn” đang từng ngày sáng tạo, lưu giữ và trao truyền giá trị bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ.

1. Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 919 nghệ nhân dân gian thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đợt 1 năm 2015, có 39 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là sự ghi nhận dành cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Dù đến từ đồng bằng, miền núi hay vùng ven biển, là người Kinh hay người Thái, người H’Mông…, ở họ luôn toát lên niềm đam mê, khát khao lưu giữ những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Qua điệu hò, câu ví và nhạc điệu truyền thống, các nghệ nhân đã góp phần để “tiếng lòng” của dân tộc mãi được ngân vang...

 Nghệ nhân dân gian đã góp phần để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nghệ nhân dân gian đã góp phần để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Trong số 39 nghệ nhân ưu tú được vinh danh thì có đến 26 nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân ca ví, giặm. Có thể nói, dân ca ví, giặm đã neo đậu, ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người dân xứ Nghệ. Ở đấy có những cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao nhưng vẫn cháy hết mình với câu hò, điệu ví quê hương và tiếp tục “truyền lửa” dân ca cho lớp trẻ hôm nay. Đó là cụ Trần Thị Như (SN 1918) trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành; cụ Trần Văn Tư (SN 1928) trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; cụ Nguyễn Trọng Đổng (SN 1932) trú tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương… Họ là những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Bên cạnh những nghệ nhân được vinh danh trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân ca ví, giặm còn có các nghệ nhân được tôn vinh trong các lĩnh vực: Y dược học cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, tiếng nói, chữ viết… Đặc biệt là những nghệ nhân lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, H’Mông, Khơ Mú…

2. Chúng tôi may mắn được gặp Nghệ nhân ưu tú Vừ Lầu Phổng tại TP Vinh, khi anh đang tập duyệt chương trình chuẩn bị cho ngày Hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II năm 2016 được tổ chức tại Hà Giang. Màn độc tấu khèn Mông với giai điệu lúc trầm bổng, khi réo rắt, du dương của nghệ nhân như đưa chúng tôi đến với ngày hội ở bản làng quê anh.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng say sưa tập luyện điệu khèn của dân tộc Mông
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng say sưa tập luyện điệu khèn của dân tộc Mông

Vừ Lầu Phổng chia sẻ: “Tôi sinh ra tại bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn - nơi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Ông nội tôi vốn là người thổi khèn hay, múa khèn đẹp nhất vùng. Ông đã truyền dạy cho tôi khi tôi còn rất nhỏ. Vì vậy năm 12 tuổi, tôi đã biết chơi khèn thành thục và gắn bó với chiếc khèn cho đến hôm nay”.

Vũ điệu khèn Mông đòi hỏi người trình diễn phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận trên cơ thể: Đôi tay giữ khèn đúng tư thế, đôi chân vận động nhịp nhàng, uyển chuyển, người xoay vòng nhưng vẫn phải đảm bảo tiếng khèn ngân lên đúng tiết tấu, nhịp điệu. Vào những đêm hội mùa xuân không thể thiếu tiếng khèn của Vừ Lầu Phổng. Giai điệu khèn với những cung bậc khi du dương, lúc réo rắt kết hợp với màn múa khèn lộn liên vòng đã mang sắc Xuân đến với bản làng. Và, đằng sau mỗi vũ điệu khèn Mông là một câu chuyện của núi rừng, của những người dân chân chất, mộc mạc. Đó là tiếng chim rừng gọi bạn, là tiếng trai gái Mông gọi nhau xuống chợ du Xuân, là tiếng reo vui của bản làng khi hương sắc mùa xuân đang tràn về...

Với đồng bào dân tộc Mông, tiếng khèn giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của họ. Để thế hệ sau kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã nhiệt tình truyền dạy cho con em trong bản. Đặc biệt, anh đã truyền đam mê cho cậu con trai của mình, vì vậy mặc dù chỉ mới 8 tuổi nhưng con trai của anh đã thổi và múa khèn điêu luyện…

Trước vinh dự được tham gia ngày Hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần này, Nghệ nhân ưu tú Vừ Lầu Phổng cho biết: Đây là ngày hội thể hiện sự tôn vinh văn hóa của dân tộc, qua đó gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng thống nhất của 54 dân tộc anh em.

3. Ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên miền Tây Bắc tỉnh Nghệ An, đến với bà con dân tộc Thổ ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp để hiểu hơn văn hóa nơi đây. Tiếp chúng tôi là Nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương (SN 1951) - người con dân tộc Thổ đã có rất nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Trương Sông Hương thả hồn bên những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ
Nghệ nhân Trương Sông Hương thả hồn bên những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ

Đối với người Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ như đàn tính, kèn, sáo, nhị đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Đã hơn 10 năm nay, người dân trong bản đều tìm đến nhà nghệ nhân Trương Sông Hương để được ông truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ.

Nghệ nhân chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Vào những ngày hội lớn hay dịp lễ Tết không thể thiếu các tiết mục dân ca, dân vũ. Đã có một giai đoạn bản sắc văn hóa dân tộc Thổ đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi thế, ngoài việc cố gắng sưu tầm, tìm tòi, học hỏi những bậc cao niên, tôi đã tự mày mò, nghiên cứu, cải biên những làn điệu mới để con cháu đời sau lưu giữ”.

Ngoài việc truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ nhân Trương Sông Hương còn có nhiều đóng góp vào việc gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Hiện, trong nhà ông trưng bày nhiều loại nhạc cụ như: Đàn tính, kèn, sáo, nhị…, trong đó có nhiều hiện vật quý do chính ông sưu tầm và sáng tạo.

Mùa xuân đang về trên khắp bản làng với sắc thắm của hoa lá, cỏ cây và váy áo thướt tha của những thiếu nữ miền biên viễn. Một năm mới lại đến, với những nghệ nhân như anh Phổng, ông Hương - họ chỉ cầu mong sức khỏe để được tiếp tục cống hiến, gìn giữ, bảo tồn và trao truyền cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc mình...

.

Phan Tuyết

.