Đã từng được kỳ vọng là một hướng đi thích hợp cho thị trường sách trong nước nhưng đến nay, với nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam, sách điện tử (ebook) chính thức lâm vào tình trạng thua lỗ, tê liệt, chỉ còn vài đơn vị làm theo kiểu cầm chừng.
Xuất bản sách điện tử chính thức phát triển tại Việt Nam từ năm 2012, thông qua pháp luật về xuất bản sách điện tử đã được quy định trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012.
Nhiều bất cập
Ảnh minh họa |
Tại thời điểm này, ebook từng được hy vọng là một hướng đi thích hợp cho thị trường sách trong nước, với các ưu điểm như: Chi phí mua sách thấp, dễ trao đổi mua bán, tiện lợi cho người đọc… Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, thị trường ebook chính thức ở Việt Nam gần như tê liệt, chỉ còn vài đơn vị làm theo kiểu cầm chừng, cố gắng tồn tại như Ybook, Alezza, Greelane Kim Đồng, sachweb…
Các NXB sách điện tử đang rất khó khăn trong việc đối phó với các đối tượng xấu tấn công, ăn cắp, vi phạm bản quyền, thêm bớt nội dung xấu, ảnh hưởng đến uy tín của mình.
Đại diện NXB Trẻ thừa nhận, xuất bản sách giấy thì không thể thêm bớt nội dung, nhưng sách điện tử dễ bị đối tượng xấu cắt ghép, sửa chữa, thêm clip phản cảm, chèn quảng cáo nên hoạt động xuất bản của đơn vị này rất âm thầm, không dám đẩy mạnh quảng bá. Để bảo mật, nhiều NXB đã đầu tư lớn cho an ninh mạng.
Công ty xuất bản sách điện tử của nhiều NXB có tên tuổi khác cũng không thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài, một phần do số lượng độc giả đọc sách điện tử còn hạn chế, nhưng nguyên nhân lớn hơn là do chi phí đầu tư để bảo đảm an ninh cho bản thảo quá cao.
Mặt khác, để được phát hành ebook, các NXB và công ty phát hành ebook có bản quyền phải làm rất nhiều thủ tục, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý Nhà nước. Trong khi các đơn vị phát hành ebook không có bản quyền núp dưới danh nghĩa mạng xã hội để người dùng tự đưa ebook lên thì không bị bất kỳ sự kiểm soát nào đáng kể.
Dòng ebook không bản quyền này có số lượng rất lớn (có thể lên đến 100.000 tựa) miễn phí hoặc giá rẻ vì các website này không cần xin phép xuất bản ebook và không trả tiền tác quyền cho tác giả. Ebook không có bản quyền phần lớn chỉ là 1 file dạng hình ảnh, thiếu các tiện ích và thông tin nếu có sai sót thì cũng không có ai kiểm tra hay chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, ebook có bản quyền vẫn còn hạn chế về số tựa sách. Tổng cộng các nhà cung cấp ebook có bản quyền hiện ước tính có không quá 15.000 tựa, thể loại cũng chưa phong phú nên chưa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người đọc. Đây cũng là điểm hạn chế khiến ebook có bản quyền chưa phổ biến rộng rãi.
Một nguyên nhân nữa khiến ebook chưa phát triển là tình trạng “ruộng ai nấy rào” trong của các doanh nghiệp trong ngành. Chính sự thiếu tập trung, phân mảng quá lớn trong khâu phát hành, đơn vị nào cũng chỉ bán sách của mình làm, không bán hoặc bán rất ít sách của đơn vị khác. Ngay cả các nhà phát hành ebook dạng độc lập như Waka, Alezza, Komo… cũng chỉ lác đác các đầu sách ít nổi tiếng, còn sách hay, đang được chú ý thì hầu như không có.
Hướng đi nào?
Các đơn vị làm sách hầu hết đều nỗ lực tìm hướng giải quyết vấn đề phát hành ebook hiện nay. Trong số đó có Ybook, trực thuộc NXB Trẻ. Đây là đơn vị liên tục tìm kiếm hướng đi cho ebook như bắt tay với Tập đoàn Samsung xây dựng thư viện điện tử cho mảng thiết bị di động của đơn vị này, hay kết nối giữa ebook và sách in.
Công ty này đang hỗ trợ các địa phương vùng Nam Bộ xây dựng thư viện ebook địa chí dựa trên các bộ sách địa chí, chuyên khảo về Nam Bộ của NXB Trẻ. Hiện nay, thư viện ebook địa chí đầu tiên đã hoàn thiện tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Với thư viện ebook, bạn đọc của tỉnh hay các địa phương khác cần tra cứu thông tin chỉ cần liên hệ, thư viện sẽ cấp mã là có thể tra cứu toàn bộ các đầu sách, thông tin. Hiện nay, Ybook đang triển khai thư viện dạng này ra các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang…
Bên cạnh đó, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc YBook cho rằng: “Ebook trái phép sẽ gây ra các hậu quả: Tác giả, công ty sách và NXB bị ảnh hưởng quyền lợi khiến thị trường sách có bản quyền sẽ không thể phát triển được; tạo thói quen xấu không tôn trọng tác quyền, sở hữu trí tuệ cho người dùng. Vì vậy, muốn phát triển ebook có bản quyền tại Việt Nam, thiết nghĩ các cơn quan chức năng cần quan tâm đến những ‘kẻ trọc đầu’ chứ không chỉ nắm... người có tóc”.
Để chống lại thực trạng vi phạm bản quyền sách điện tử, Hội Xuất bản Việt Nam đang đề nghị tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành sách chung tay, phối hợp đấu tranh chống lại thực trạng sao chép tác phẩm, sách có bản quyền trái phép.
Cụ thể, các đơn vị sẽ phối hợp với nhau chia sẻ rộng rãi các trường hợp vi phạm trên Facebook, website… Nếu đơn vị nào có những tác phẩm, sách bị xâm hại bản quyền thì phản ánh ngay về văn phòng Hội qua email: hoixuatbanvn.vppn@gmail.com.
Sau khi tổng hợp đầy đủ chứng cứ, văn phòng Hội sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp.
Trước tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền sách diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đây có thể nói là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền. Nếu như trước đây, việc chuyển thông tin vi phạm bản quyền đến đơn vị chức năng thường nhỏ lẻ, phải trông chờ tổng hợp các vi phạm thì nay, với việc chủ động thông tin từ các đơn vị xuất bản đã được tổng hợp sẵn, việc xử lý sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.
Hy vọng sự liên kết của các NXB trong thời gian tới sẽ giống như liều thuốc đặc trị chấm dứt căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm qua, cũng là động lực để các NXB làm ra những tác phẩm có giá trị cho người đọc.