Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/ky-niem-72-nam-quoc-khanh-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-291945-292017-ban-tuyen-ngon-doc-lap-minh-chung-hung-hon-chong-lai-cac-luan-dieu-xuyen-tac-755233/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/ky-niem-72-nam-quoc-khanh-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-291945-292017-ban-tuyen-ngon-doc-lap-minh-chung-hung-hon-chong-lai-cac-luan-dieu-xuyen-tac-755233/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bản Tuyên ngôn độc lập - Minh chứng hùng hồn chống lại các luận điệu xuyên tạc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 01/09/2017, 08:41 [GMT+7]
Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017)

Bản Tuyên ngôn độc lập - Minh chứng hùng hồn chống lại các luận điệu xuyên tạc

(Congannghean.vn)-72 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và giá trị của Bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị, bền vững trước những tác động, đổi thay của lịch sử nước nhà từ đó đến nay. Việc thực hiện, tôn trọng quyền con người theo nội dung của Bản Tuyên ngôn độc lập mà Đảng, Chính phủ Việt Nam đã kiên trì thực hiện suốt thời gian qua càng có giá trị trong thời điểm hiện nay, khi các thế lực thù địch đang âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc việc thực hiện nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 vẫn vẹn nguyên giá trị
Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 vẫn vẹn nguyên giá trị

Giá trị bền vững của Tuyên ngôn độc lập về quyền con người

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, trong phần mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trích dẫn 2 đoạn trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập của Mỹ) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp). Đây là kết quả của một quá trình dài Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, từ đó soạn thảo ra một bản Tuyên ngôn mà khi được đọc lên, toàn thế giới không chỉ công nhận một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, thống nhất mà còn góp phần bổ sung vào lịch sử thế giới một văn kiện có giá trị bền vững, vừa kế thừa tinh hoa nhân loại, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đến 3 năm sau, năm 1948, trong Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc, tại Điều 1 đã dường như nhắc lại nguyên văn những nội dung trên: “Tất cả mọi người đều được tự do và bình đẳng. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”. Trên cơ sở đó, đến năm 1966, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị dân sự đã ra đời. Công ước là một phần của hệ thống Luật Nhân quyền quốc tế, cùng với Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền, độc lập với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam là thành viên và đều tham gia tích cực, được các quốc gia, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong các văn kiện quốc tế, Bản Tuyên ngôn về nhân quyền được xem là cơ sở, gốc rễ cho mọi hoạt động của các văn kiện và tổ chức sau này.

Tại Việt Nam, từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam đã luôn chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền con người và nỗ lực nhằm đảm bảo thực hiện các quy định đó. Từ bản Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), mới đây là Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành, Nhà nước ta đã luôn nỗ lực ghi nhận và cụ thể hóa các quyền cơ bản của con người, tạo cơ sở để tất cả mọi người đang sinh sống trên đất nước Việt Nam được đảm bảo và thực hiện quyền lợi chính đáng của mình. Tại Chương 2, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng quy định rõ về quyền con người, quyền công dân, ngay sau Chương I về chế độ chính trị.

Kiên trì một mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia gắn liền với thực hiện quyền con người

Quy định về Quyền con người đã được cụ thể hóa trong Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp. Và trên thực tế, Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu đảm bảo quyền con người, đảm bảo mỗi công dân được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, trong những văn kiện quốc tế và Luật tại các quốc gia, bên cạnh việc thừa nhận quyền con người là quyền phổ biến, không thể chuyển nhượng… thì cũng xác định rõ: Quyền con người cũng bị giới hạn trong khuôn khổ nhất định.

Luật, Công ước quốc tế đã có, quy định cụ thể như thế nào lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Như tại Điều 14, 15, Chương 2 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, TTATXH, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Và rằng: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”, “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Ngay trong Bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển quyền con người thành lợi ích, quyền lợi dân tộc. Điều này đã được các quốc gia ghi nhận, học tập và đánh giá cao. Điều đó cho thấy, không có nhân quyền tuyệt đối, càng không có việc thực hiện quyền con người nằm ngoài những quy phạm pháp luật của một quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, TTATXH của một địa phương nào.

Việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam như thế nào sẽ do các tổ chức chính thức quốc tế đánh giá và ghi nhận, trong đó cao nhất là Liên hợp quốc. Ngoài tổ chức chính thống, trên thế giới còn tồn tại rất nhiều tổ chức phi chính phủ khác, từ nguồn hỗ trợ tài chính của một số cá nhân theo đuổi quá trình thực hiện việc thực hiện nhân quyền tại một số quốc gia. Không phủ nhận những đóng góp của những tổ chức này. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà cho mình quyền lợi dụng các vấn đề về nhân quyền, dân chủ để chống phá Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây tác động xấu đến ANTT, TTATXH trên địa bàn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như hiện nay, một số đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xuyên tạc những luận điệu cho rằng “Nhà hoạt động dân chủ bị bắt giữ” và rằng “Nhà đấu tranh vì môi trường không được bảo vệ”… Những nội dung xuyên tạc trên chỉ có tác dụng lấy lòng tin của những tổ chức nhân quyền thiếu thông tin trên thế giới. Bởi hoạt động của các đối tượng như Lê Đình Lượng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình… như thế nào, người dân địa phương, những công dân hiểu biết đều đã hiểu và ý thức rõ.  Bởi, tất cả cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đó là cơ sở để đảm bảo nhân quyền cho mọi người!

Quyền con người luôn luôn phát triển và không có điểm dừng. Tuy nhiên, không vì thế mà lấy việc thực hiện quyền con người ở quốc gia này áp dụng và đòi hỏi phải thực hiện như thế ở một quốc gia khác. Bởi mỗi nước có một điều kiện khác nhau về địa chính trị, kinh tế, xã hội. Tôn trọng luật quốc tế về quyền con người, đồng thời, cũng phải phù hợp với luật pháp quốc gia nước sở tại, quyền và lợi ích con người, công dân không được xâm phạm lợi ích dân tộc. Vì thế, mọi hành vi hoạt động tôn giáo, lợi dụng quyền tự do ngôn luận gây nguy hại đến an ninh quốc gia, TTATXH, vi phạm đạo đức, quyền của người khác… đều phải bị nghiêm cấm và trừng trị theo quy định của pháp luật.

Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 ghi rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Còn theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

 

.

Mai Hậu

.