Mấy ngày qua, dư luận tỏ ra lo ngại vì điểm đầu vào trường sư phạm quá thấp, liệu có đảm bảo chất lượng các thầy cô giáo sau này. Nhưng thực tế là không phải cứ đầu vào cao sẽ thành thầy giỏi.
Thủ khoa cũng phải rèn nghề cật lực mới có thể trở thành giáo viên giỏi |
Cậu học trò trẻ nhất của tôi - thủ khoa đầu vào (chắc cũng gần 30 điểm), đã tốt nghiệp lớp tài năng của khoa, thế mà đi thi giảng thì trượt không ít lần. Đến khi chịu nghe lời thầy, nào là tập bố cục bài có ý tưởng, nào là chọn bài cho hay, giảm khoe kiến thức, hãy xem học sinh cần cái gì... thì may thay, cậu ấy được nhận vào thử việc.
Thủ khoa đầu vào vẫn cật lực rèn nghề
Trong đội ngũ của mình, tôi “sở hữu” đến mấy thủ khoa đầu vào, tốt nghiệp xuất sắc Khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội, hoặc chí ít, thì các giáo viên đều ở Khoa Toán - nơi mà điểm đầu vào chưa bao giờ thấp. Thế mà, hàng ngày, các đồng nghiệp này của tôi vẫn phải cật lực để rèn nghề.
Vừa qua, các bạn ấy cặm cụi dựng mô hình. Giải toán thì giỏi, nhưng cái tay không khéo, nên làm mô hình để cho học sinh trải nghiệm cứ hỏng, hoặc không hỏng thì lại chậm.
Muốn học sinh trải nghiệm, “chạm” được vào Toán mà các thầy cô không làm được thành thạo thì không được rồi. Lại có cô giáo tập nói mãi mà vẫn nhỏ. Nghe lời khuyên của tôi, sáng sáng em dậy sớm, súc miệng nước muối ấm, ra đường chạy bộ và tập mở vòm họng. Đó là chưa kể chữ viết xấu, vẽ hình xấu, đặt đề bài không hay... tất cả những điều đó đều rèn không dễ tí nào.
Tôi giờ thấy mình có ích ở vị trí huấn luyện giáo viên, luôn giữ cái hồn nhiên để kể cho đồng nghiệp trẻ những tấm gương mà tôi biết, chỉ học 7+3, 10+2... nhưng đã làm người thầy tốt đến mức nào. Họ không dễ dàng như chúng ta, lướt google là có một loạt các giáo án có sẵn để tham khảo. Có lẽ vì thế, họ mất nhiều thời gian để nghĩ về bài dạy, về học sinh. Họ biết ít thôi, mà dạy được rất nhiều.
Tôi, như một người chị khóa trước để kể lại cho các đồng nghiệp trẻ câu chuyện về một vài nhân tài ở Khoa Toán, điểm vào rất cao nhưng chưa hoặc quá khó để họ có một bài giảng hay cho học sinh phổ thông. Ngay năm ngoái, đồng nghiệp - trưởng một đoàn thực tập sư phạm gọi cho tôi vài lần, phàn nàn về một trường hợp như thế ở Khoa Toán, bạn ấy không lên lớp giảng bài, không hòa nhập vào môi trường dạy học...
Dùng thang đo yêu nghề thay vì điểm đầu vào
Tôi, năm nào cũng được tiếp xúc với rất nhiều thầy cô giáo, đến nỗi, cảm giác như mình không bao giờ rời xa những lớp học ở nông thôn, ở vùng xa. Đi một lần, tôi lại về truyền lại chút “võ công” cho các đồng nghiệp trẻ. Tôi nói với họ rằng, đôi khi, chúng ta đã dần dần đánh mất nghề. Vì sự cả nể, a dua, chúng ta không dám làm đúng, làm hết mình ở các giờ dạy hoặc để mặc cho đồng nghiệp, cho bản thân làm những điều chưa hợp lí.
Đối mặt với bản thân, ta mất đi niềm tin chính nghĩa của nghề. 9 điểm, 12,5 điểm, 18 điểm, 26 điểm, 29 điểm... có vẻ trở thành niềm tự tôn, tự ti... của những người sau này cùng làm một nghề. Nhưng có lúc chẳng thể dùng mấy con số đó để so sánh, nếu chúng ta dùng động lực yêu nghề, hiểu nghề để đo.
Vì cần một chỗ làm nên một số người điểm thấp sẵn sàng chịu bù thêm “chi phí” để được một chân “dạy học”. Nên đi dạy mà chịu gièm pha, chỉ ép mới có người học, thì làm gì có an tâm, hạnh phúc làm nghề. Nếu dùng lí thuyết “ích kỉ bản thân”, thì họ sai đường lắm đấy! Vì mình “điểm cao” mà nghĩ mình hơn hẳn mấy người kia, chẳng cần gì nữa, nên khi “lâm trận”, thấy thiếu rất nhiều kĩ năng nghề thì chẳng kịp bù, than thân, trách phận, kịp hay không kịp cũng đừng trách ông trời.
Thấy học trò chịu khổ, người bên cạnh làm sai, thầy cô không làm gương... thì dạy sao nổi các trò. Cứ vòng vo một hồi, sẽ phát hiện chẳng ai có lỗi trước một hiện tượng xã hội, nhưng ai cũng bị thiệt thòi.