Văn hóa - Giáo dục
Trẻ chọn sách hay ipad, phụ thuộc vào cha mẹ
07:40, 06/05/2017 (GMT+7)
Người lớn phải làm tấm gương, bằng cách hãy cất các thiết bị điện tử vào túi xách. Hãy đọc sách nhiều hơn, và bằng cách đó, người lớn truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ, thay đổi thói quen cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh các hoạt động in ấn, xuất bản, quảng bá sách, có một vấn đề mà không ít học giả quan tâm, đó là làm thế nào để sách trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn với trẻ em. Ngày Sách Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác với chủ đề: “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”. Rất nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra.
Trong thời buổi sự phát triển rầm rộ của các sản phẩm công nghệ, dường như trẻ em đã không coi sách như là một sự lựa chọn đầu tiên. Thay vào đó là điện thoại, ipad, máy tính, dù cho sách là thứ không thể thiếu trong sự phát triển năng lực, trí tuệ của một đứa trẻ.
Trong khuôn khổ một buổi tọa đàm với chủ đề làm thế nào để trẻ em yêu sách hơn, nhà giáo Nguyễn Việt Hùng phân tích về chức năng giải trí của sách. Theo ông, những người làm sách cho trẻ em hôm nay cần phải chú trọng nhiều hơn đến tính giải trí.
Đọc sách là phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ nhỏ |
Sách không chỉ chứa đựng kiến thức một cách cứng nhắc mà kiến thức cần được chuyên chở trong một hình thức bắt mắt. Làm sao để những đứa trẻ khi bước vào tiệm sách, nhìn những cuốn sách đẹp, hấp dẫn, chúng muốn sở hữu, muốn khám phá.
Tăng tính giải trí chính là kích vào trí tò mò, ham mê khám phá của trẻ. Hiện nay công nghệ làm sách đã phát triển rất xa, và các đơn vị làm sách đã bắt đầu chú ý điều này. Họ hiểu rằng, trẻ em có thể lĩnh hội kiến thức từ rất nhiều phương tiện khác nhau, mà sách chỉ là một kênh, chứ không phải kênh duy nhất.
Riêng trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, một số nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Kim Đồng đã có nhiều sáng kiến làm sách. Không ít cuốn sách hay như truyện dài, truyện vừa, thậm chí là tiểu thuyết được các chuyên gia giản lược nội dung, thêm vào đó là tranh vẽ hay hình minh họa, để khi tiếp cận nội dung cuốn sách các em không thấy nhàm chán mà vẫn cảm nhận được thông điệp, tinh thần của tác phẩm.
Sách cũng cần phải làm một cuộc cách mạng để cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ khác giành lấy độc giả trẻ. Văn hóa đọc sẽ không phải kêu cứu, nếu chúng ta luôn có những thế hệ bạn đọc tiềm năng, coi sách như một thức ăn không thể thiếu hàng ngày.
Khi giới trẻ mê sách, chúng ta có thể hình dung tốt đẹp hơn về tương lai. Bởi cho dù văn minh, hiện đại, thuận tiện đến đâu, công nghệ không thể thay thế việc các em cầm một cuốn sách trên tay, đọc những con chữ trên giấy. Sách mở mang tâm hồn, tầm nhìn, khả năng tưởng tượng cho trẻ em. Việc đọc sách trên mạng cũng được khuyến khích, nhưng có lẽ còn rất lâu nữa những cuốn sách điện tử mới chiếm được hoàn toàn chỗ đứng của những cuốn sách in trong lựa chọn của bạn đọc.
Tuy nhiên, để việc đọc sách trở thành một nếp sống, một thói quen của trẻ thì vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Người ta đã thống kê rằng, trong nhà, nếu cha mẹ ham đọc sách thì bọn trẻ cũng có xu hướng ham đọc sách.
Lời khuyên của các chuyên gia là hãy hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính, ipad. Thay vào đó là sự hiện diện của cha mẹ.
Tạo một thói quan cho trẻ nhỏ nhất thiết phải bắt đầu từ rất sớm. Đời sống hiện đại bận rộn, nhiều phụ huynh có xu hướng bỏ rơi con cái. Họ cho con cuộc sống vật chất đầy đủ và nghĩ là tất cả. Cho nên, ngày càng nhiều trẻ em mắc chứng nghiện game, nghiện điện thoại, ipad. Chúng không có sự giao tiếp nào khác ngoài những món đồ công nghệ ấy. Đấy là một thế hệ bị đóng băng, lầm lì, tự kỷ và có xu hướng sống khép kín với thế giới bên ngoài.
Daniel Pennac, nhà giáo, nhà văn nổi tiếng người Maroc, một nhà văn viết nhiều truyện cho thiếu nhi bằng tiếng Pháp đã từng nói về việc đọc sách ở trẻ em, đại ý rằng, hãy tôn trọng quyền được đọc của bọn trẻ. Hãy để trẻ tự nguyện tìm niềm vui ở sách. Chúng có thể đọc nhảy cách trang, đọc từ cuối lên đầu cuốn sách, hay không nhất thiết phải đọc hoàn chỉnh cả cuốn sách.
Vấn đề của cha mẹ là khơi gợi niềm mong muốn được tiếp cận với sách cho bọn trẻ. Cha mẹ dù bận bịu đến đâu cũng hãy cố gắng dành thời gian đọc sách cùng con, nhất là khi chúng còn nhỏ. Mỗi ngày qua đi, việc đọc sách sẽ trở thành một nếp sống của gia đình.
Hãy kiên nhẫn thảo luận cùng con về nội dung một cuốn sách. Hãy để sách bừa bộn một chút cũng không sao, trong các căn phòng. Để trẻ luôn nhìn thấy sách cũng là cách để chúng tò mò khám phá. Đừng mua sách về và để trên giá cao như một vật trang trí.
Muốn có một nền văn hóa đọc bền vững thì việc tạo thói quen đọc cho thế hệ trẻ là cần thiết. Ngày dành cho văn hóa đọc trong một năm càng không thể làm ngơ việc này. Người lớn hành động, nghĩa là chính người lớn phải thay đổi.
Người lớn phải làm tấm gương, bằng cách hãy cất các thiết bị điện tử vào túi xách ở sân bay, ga tàu, bến đỗ xe buýt và cả những phút rảnh rỗi tại nhà. Thay vào đó hãy cầm những cuốn sách. Hãy đọc sách nhiều hơn, và bằng cách đó, người lớn truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ, thay đổi thói quen cho trẻ nhỏ.
Vũ Quỳnh