Văn hóa - Giáo dục
Tự hào lính đặc công rừng Sác
(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khó và oanh liệt vẫn còn đầy ắp trong từng câu chuyện của người lính đặc công rừng Sác - Nguyễn Viết Dũng. Với đôi chân trần, miệng ngậm ống thở, lưng dắt thuốc nổ, mìn…, những chiến sỹ đặc công rừng Sác đã từng khiến kẻ thù khiếp sợ ở chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bộ đội đặc công rừng Sác trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh tư liệu |
Giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 4, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Viết Dũng ở xóm 8, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên. Bước sang tuổi 66, làn da ông đã sạm màu bởi thời gian, mấy năm trở lại đây bị ngứa, gãi đến phồng rộp cả da, chạy chữa mãi không khỏi. Ông cười đùa: “Có lẽ, đã lâu lắm rồi, làn da không được tắm mình nơi rừng thiêng nước độc, cho nên nó nhớ, nó nhắc ấy mà…”.
Ông Nguyễn Viết Dũng sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Xuân - vùng quê nằm ở hạ du sông Lam. Năm 19 tuổi, từ bỏ những ước mơ hoài bão còn dang dở, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau một thời gian được thử thách tại Đoàn 22 Nghệ An, ông được biên chế vào đơn vị đặc công nước, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Một năm trời huấn luyện tại Hải Phòng đã để lại trong ông những kỷ niệm chẳng thể nào quên: “Những đêm đông giá rét cùng đồng đội luyện tập vượt sông, mỗi lần bơi 25 km từ sáng sớm đến chiều tối, mặc cho cái lạnh thấm vào làn da, thớ thịt, đến tận xương tủy và côn trùng thi nhau hành hạ… Tuy nhiên, anh em đồng đội vẫn bản lĩnh, quyết tâm, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, chỉ mong làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc”.
Năm 1971, ông Dũng được điều chuyển về Trung đoàn Đặc công rừng Sác miền Đông Nam Bộ. Lúc này, ông cùng đoàn quân băng rừng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những người lính đặc công nước luôn phải đối mặt với gian khó, hiểm nguy nên ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Kẻ thù không đáng sợ bằng những trận sốt rét hành hạ, những lần bơi giữa dòng gặp phải cá sấu đang chực chờ sẵn… Người lính đặc công rừng Sác ngoài tài thao lược về đánh trận thì họ được mệnh danh là “bậc thầy” về các loại chất nổ, bộc phá. Ở họ toát lên sự mưu trí, kiên cường vào những thời điểm hết sức nguy hiểm.
Để tiếp cận tàu và kho bãi của địch ở các cảng, ban đêm, chiến sỹ đặc công rừng Sác phải lặn sâu dưới nước, miệng ngậm chiếc ống nhỏ để hít thở không khí, bên lưng dắt theo đạn, mìn. Để hạn chế rủi ro và hy sinh, muốn chắc thắng, họ phải thực hiện tốt việc trinh sát, nắm tình hình cũng như quy luật hoạt động của địch.
Với nhiệm vụ tham gia đánh các tàu và kho của địch trong cảng, không để kẻ địch vận chuyển vũ khí, khí tài, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm đến các chiến trường nhằm gây tổn thất cho quân ta, ông Dũng đã nhiều lần phải đối mặt với hiểm nguy, cùng đồng đội đánh chìm 4 tàu vận tải của địch; đồng thời, tham gia chống càn ở khu vực Đồng Nai và đánh chìm 2 tàu chiến của địch trên sông Thị Vải.
Kể về những trận đánh quyết tử với kẻ thù, ông Dũng như trẻ lại, giọng nói hào sảng mang đậm chất lính đặc công rừng Sác: Quên sao được hình ảnh tôi cùng đồng đội nằm giữa bãi sình hay giữa những cánh rừng ngập mặn, trong miệng ngậm ống thở hoặc ngụy trang dưới lớp lục bình nhằm che mắt địch. Làm thế nào để nắm được lịch sinh hoạt cũng như thời điểm sơ hở của địch, nắm rõ khoảng cách, thời gian địch ném thủ pháo để khi địch vừa ném xong, các chiến sỹ lập tức tiếp cận mục tiêu, cài đặt mìn và hẹn giờ rút lui an toàn, đảm bảo địch ném đợt tiếp theo sẽ không gây thương tích.
Ám ảnh nhất là mỗi lần chứng kiến đồng đội của mình bị cá sấu vồ, máu chảy lênh láng, đọng thành từng vũng. Đặc biệt, trong một lần tôi cùng 2 đồng đội được lệnh vượt sông vào cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu) để đánh chìm tàu địch thì bị trôi ra biển. Lần ấy, sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, 3 anh em tiếp cận tàu của địch. Chớp thời cơ địch sơ hở, 3 người đẩy khối mìn hơn 100 kg nằm dưới lưới áp sát mạn tàu, chỗ gần khoang máy hẹn giờ nổ rồi rút lui an toàn mỗi người một hướng. Tại nơi trú ẩn, nín lặng chờ đợi rồi tiếng nổ lớn vang cả vùng sông nước. Lửa trùm cả mặt sông, khói bốc lên nghi ngút, lan sang cả làng mạc. Địch hốt hoảng, huy động phương tiện canô, máy bay, tàu chiến nhưng đã quá muộn. Lần đó, sau khi đánh xong, khi bơi qua eo biển thì 3 người bị nước cuốn trôi ra biển. Mỗi người một hướng, vật lộn dưới nước hàng tiếng đồng hồ mới được thuyền đến cứu. Trở về căn cứ, 3 chiến sỹ gặp lại nhau, nắm tay nhau và không quên nở nụ cười chiến thắng.
Ông Nguyễn Viết Dũng và những kỷ vật thời chiến đấu |
Những đóng góp của ông Nguyễn Viết Dũng trong cuộc đời binh nghiệp đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 5 Bằng khen các loại, Chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn và được công nhận là Dũng sỹ đánh giao thông. Năm 1972, sau một lần thọc sâu vào vùng địch hậu để trinh sát và đánh cháy kho xăng địch, ông được kết nạp Đảng ngay giữa chiến trường khi vừa tròn 21 tuổi.
Sau một trận tham gia chống càn, ông Dũng bị thương nặng và phải điều chuyển ra Bắc an dưỡng. Năm 1975, ông xuất ngũ trở về quê hương cũng là lúc hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. “Niềm vui như vỡ òa, lúc ấy, nước mắt tôi đã rơi. Chỉ mới đây thôi, tôi và đồng đội còn “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mới đây thôi, đã không ít chiến sỹ ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, không còn được chứng kiến ngày vui thống nhất hai miền”, ông Dũng ngậm ngùi.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Dũng tích cực đóng góp tâm sức để xây dựng quê hương. Ông từng là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Xuân. Cách đây 2 năm, ông có dịp cùng đồng đội trở về thăm lại chiến trường xưa. Rừng Sác bây giờ đã đổi thay, dấu vết chiến tranh cũng đã lùi vào quá khứ, nhưng với những người lính đã gắn bó máu thịt nơi rừng Sác như ông Dũng thì tất cả vẫn còn vẹn nguyên…
Phan Tuyết