Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017)

Công an Nghệ An: Góp phần làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975

08:04, 29/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghệ An là 1 địa bàn chiến lược trọng yếu của cả nước. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để phá hoại hậu phương miền Bắc XHCN, đế quốc Mỹ và bọn tay sai ở miền Nam đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động chiến tranh gián điệp song trùng với các hoạt động khác như: Chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân; chiến tranh tâm lý; kích động, hỗ trợ bọn phản động nội địa nổi lên hoạt động chống phá chính quyền cách mạng hậu phương miền Bắc XHCN.

Công an Nghệ Tĩnh đón nhận “Cờ thi đua Khá nhất” - giải thưởng luân lưu tặng ngành CAND của Bác Hồ trao cho Công an Nghệ Tĩnh năm 1976 (Ảnh tư liệu)
Công an Nghệ Tĩnh đón nhận “Cờ thi đua Khá nhất” - giải thưởng luân lưu tặng ngành CAND của Bác Hồ trao cho Công an Nghệ Tĩnh năm 1976 (Ảnh tư liệu)

Đế quốc Mỹ đã tung nhiều hoạt động chiến tranh gián điệp với đầy đủ các phương thức như: Gián điệp ẩn nấp, gián điệp con thoi, gián điệp biệt kích, với mức độ và cường độ ngày càng ác liệt bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt, nhằm chống phá ở Nghệ An bằng nhiều con đường khác nhau: Từ biên giới Việt - Lào, vượt tuyến qua khu phi quân sự, từ đường biển, đường không... móc nối với bọn phản động nội địa gây dựng cơ sở, gây bạo loạn phản cách mạng.

Các hoạt động chiến tranh tâm lý cũng được đẩy mạnh với các luận điệu tuyên truyền, bịa đặt, vu khống và xuyên tạc về thực tế đời sống xã hội của ta; ca ngợi chế độ Mỹ, ngụy để gây hoang mang trong quần chúng, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân.

Nhưng nguy hiểm và thâm độc hơn cả là tất cả các loại gián điệp đều tìm mọi cách móc nối, lôi kéo lực lượng để xây dựng đội quân ngầm, tổ chức bọn tay sai cài lại để xây dựng lực lượng "nằm trong lòng Cộng sản để chống Cộng sản”. Chúng liên tục tung vào nội địa nhiều toán gián điệp biệt kích, gián điệp con thoi, tổ chức các lực lượng phỉ vũ trang hòng lập những căn cứ mà chúng gọi là “mật khu” để hoạt động phá hoại, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng với âm mưu “trong đánh ra, ngoài đánh vào” khi Mỹ, ngụy đưa quân đổ bộ vào Nghệ An.

Cũng như thực dân Pháp trước đây, bọn gián điệp Mỹ, ngụy đều tập trung vào việc móc nối với bọn phản động ở Nghệ An để gây dựng cơ sở, tạo vỏ bọc hoạt động thu thập thông tin tình báo và xây dựng các ổ nhóm phản loạn. Hầu hết các tên gián điệp tung vào Nghệ An đều được giao nhiệm vụ móc nối với bọn phản động và thông qua bọn này tổ chức mạng lưới hoạt động theo lệnh của quan thầy từ trung tâm. Ngược lại, bọn phản động cũng trông chờ, mong đợi bọn gián điệp đến để được tiếp tay nhận nhiệm vụ, tạo điều kiện chở che, ăn ở... cho bọn gián điệp hoạt động.

Chỉ tính trong vòng 5 năm (từ 1958 - 1962), Mỹ, ngụy đã tung vào Nghệ An 4 vụ gián điệp là: Nguyễn Thị Vượng (1958), Đậu Trọng Phúc (4/1960), Vũ Công Hồng (7/1961), Nguyễn Châu Thanh (5/1962) đều tiến hành móc nối với bọn phản động Công giáo để được che chở và hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ất, Trưởng Ty Công an Nghệ An (bên phải) trực tiếp chỉ đạo bắt toán gián điệp, biệt kích nhảy dù xuống huyện Kỳ Sơn năm 1963
Đồng chí Nguyễn Xuân Ất, Trưởng Ty Công an Nghệ An (bên phải) trực tiếp chỉ đạo bắt toán gián điệp, biệt kích nhảy dù xuống huyện Kỳ Sơn năm 1963

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân (từ ngày 5/8/1964 về sau) từ các trung tâm huấn luyện gián điệp ở miền Nam và nước ngoài, Mỹ, ngụy tiếp tục tung các toán gián điệp, biệt kích vào Nghệ An.

Ngoài các hoạt động như trước đây, bọn gián điệp còn có nhiệm vụ là chỉ điểm cho máy bay tàu chiến Mỹ đánh phá, nắm con số về những thiệt hại của ta để báo về trung tâm. Nguy hiểm hơn, chúng bắt cán bộ, bộ đội thu nhận số đầu hàng, khai báo rồi huấn luyện tại các trung tâm tình báo để tung ra miền Bắc bằng con đường công khai, hợp pháp để chui sâu, leo cao vào nội bộ ta (theo phương thức P86 và T72).

Ở các vùng ven biển, chúng dùng tàu chiến vây bắt ngư dân rồi đưa vào miền Nam khai thác, phân loại, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, cấp hàng tâm ý chiến (đài bán dẫn, vải vóc, thuốc men, văn hóa phẩm phản động, đồi trụy) tuyển chọn một số người (chủ yếu nhằm vào những người theo đạo Công giáo) đào tạo huấn luyện để hoạt động gián điệp rồi tung về Nghệ An hoạt động theo phương thức gián điệp ẩn nấp. Điển hình như vụ Trần Đình Hiền và đồng bọn ở Nghi Tân, Nghi Lộc  năm 1965 - 1966.

Nhận rõ âm mưu của Mỹ, ngụy và tầm quan trọng đặc biệt của công tác phòng, chống hoạt động tình báo gián điệp là hết sức cần kíp và cấp bách; với phương châm “giữ bên trong là chính, giữ dưới đất là chính”; quán triệt quan điểm “nghiệp vụ phục vụ chính trị”, Ty Công an Nghệ An đã triển khai đồng bộ một loạt biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất, cụ thể: Tập trung mọi trí lực làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình về đối phương, sự thay đổi về âm mưu, phương thức thủ đoạn, địa bàn hoạt động. Qua đó, xác định đúng đối tượng chính, địa bàn trọng điểm để tập trung đấu tranh với các biện pháp, giải pháp thích hợp; đồng thời, tăng cường công tác quản lý hành chính để phục vụ công tác nghiệp vụ.  

Dựa vào sức mạnh quần chúng, quán triệt quan điểm quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng với các ngành, các cấp xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh. Cùng một lúc và thời điểm làm tốt công tác đấu tranh chống bọn tình báo gián điệp kết hợp với công tác phòng, chống bọn phản động trong nội địa; phòng, chống sự liên minh móc nối trong - ngoài của các loại đối tượng theo quan điểm “tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công”. Tăng cường xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt chủ yếu để làm tốt công tác tham mưu, tổ chức, hướng dẫn và trực tiếp tham gia đấu tranh chống hoạt động tình báo, gián điệp…

Với các biện pháp, giải pháp thiết thực trên đây trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng Công an đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh chống bọn tình báo gián điệp Mỹ, ngụy. Cụ thể: Trực tiếp đấu tranh 44 vụ án gián điệp các loại, xác lập và đấu tranh 24 chuyên án, bắt giữ 80 tên; vô hiệu hóa, cảm hóa, giáo dục hàng chục đối tượng; thu hồi hàng trăm khẩu súng các loại, nhiều loại phương tiện đặc chủng, điện đài, tài liệu khác. Một số vụ tiêu biểu như: Chu Tam Đa, Đậu Trọng Phúc, Võ Công Hồng, Nguyễn Châu Thanh, Trần Đình Hiền, Thào Na, Lê Văn Bùng, Lê Văn Tiến…; đồng thời đã tham gia công tác tiễu phỉ, dập tắt nhiều vụ bạo loạn, bắt, gọi hàng hàng trăm tên, trừng trị nhiều tên cầm đầu nguy hiểm. Điển hình: Các vụ “Châu Pà” từ năm 1961 đến 1964; vụ 21 tên phỉ tập kích trụ sở Ủy ban hành chính huyện Kỳ Sơn (tháng 6/1970); vụ bắt 7 tên phỉ tại Na Ngoi, Kỳ Sơn (tháng 7/1972)…

Với những chiến công oanh liệt trên mặt trận đấu tranh chống lại bọn tình báo gián điệp Mỹ, ngụy, tập thể CBCS Ty Công an Nghệ An đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của lực lượng CAND Việt Nam và quân dân tỉnh nhà trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa giang sơn về một mối.

Ngô Trí Sinh

Các tin khác