Văn hóa - Giáo dục
Gặp người cựu chiến binh bắn rơi 6 máy bay trực thăng của địch
(Congannghean.vn)-Từng tham gia chiến đấu dũng cảm, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã trực tiếp bắn rơi 6 máy bay trực thăng của Mỹ. Đặc biệt, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông là cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Duyên trú tại bản Cáng Điểm, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Duyên (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm của một thời quân ngũ |
Như đã thành thông lệ, vào 1 ngày cuối tháng 4 lịch sử, các CCB bản Cáng Điểm, xã Châu Đình lại cùng nhau đến nhà ông Nguyễn Đình Duyên - người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh để ôn lại những kỷ niệm đang nhớ của một thời trai trẻ.
Năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Duyên từ biệt làng quê để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau 2 tháng huấn luyện ở Đoàn 22, Quân khu IV, tháng 4/1968, ông được biên chế về Tiểu đoàn 16, trực thuộc Sư đoàn 320A, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đặc biệt, trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 giai đoạn 2, ông là xạ thủ 12 ly 7 số một. Trong trận chiến ngày 2/9/1968, tại cao điểm 425 thuộc phía Tây tỉnh Quảng Trị, ông đã bắn rơi tại chỗ 6 máy bay trực thăng của địch và được tặng danh hiệu Dũng sỹ bắn máy bay, Dũng sỹ diệt Mỹ và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Năm 1971, ông tiếp tục tham gia chiến đấu tại đường 9 Nam Lào. Tháng 12/1971, ông và Sư đoàn hành quân vào Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Xuân Hè tại tỉnh Kom Tum. Cuối năm 1972, ông tham gia chiến đấu tại căn cứ Đức Cơ, Phượng Hoàng. Đến tháng 8/1973, ông được điều động về Phòng Chính trị Sư đoàn 320 đóng ở tỉnh Gia Lai.
Tháng 11/1974, ông cùng Sư đoàn tiếp tục hành quân đến Đắk Lắk và được biên chế vào Quân đoàn 3, chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Sau đó, ông tiếp tục tham gia đánh chốt chặn địch tại đường 14, truy kích địch tại đường 7 thuộc tỉnh Đắk Lắk, góp phần giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, từ đó tiếp tục hành quân vào Bến Cát tham gia chiếm lĩnh cứ điểm Đồng Dù. Đây là cứ điểm cực kỳ quan trọng của địch tại căn cứ phía Tây Sài Gòn.
CCB Nguyễn Đình Duyên nhớ lại: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tham gia chiến đấu từ ngày 26/4 đến khi kết thúc chiến dịch, thuộc cánh quân phía Tây Sài Gòn. Chúng tôi trực tiếp đánh vào căn cứ Đồng Dù, căn cứ của Trung đoàn 25 dù, rộng 9 km2. Tối 28/4, Sư đoàn vào chiếm lĩnh trận địa, theo kế hoạch đến 4 giờ ngày 29/4 thì nổ súng và 8 giờ phải làm chủ toàn bộ căn cứ Đồng Dù. Lúc này, lực lượng của địch đông, mạnh và kháng cự rất quyết liệt nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Khi mở cửa đến lần thứ 3, cả 2 Trung đoàn 48 và 52 mới thông được, chúng tôi đánh vào lô cốt đầu cầu và phát triển trung tâm. Lúc này, tinh thần của quân địch hoang mang, một số ra hàng, còn một số bỏ chạy. Bấy giờ, 2 Trung đoàn 48 và 52 mới làm chủ được căn cứ Đồng Dù. Đến 9 giờ, đơn vị tiếp tục tiến về Sài Gòn. Toàn bộ Sư đoàn 320 truy kích địch trên đường 14 và Hóc Môn - Bà Điểm. Một bộ phận khác đi theo đường 1 cùng với Sư đoàn 316 tiến công vào Sài Gòn, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và đánh đến Bộ tổng tham mưu. Đến khoảng 13 giờ ngày 30/4/1975, chúng tôi mới vào được Dinh Độc Lập. Sau đó, đội hình của Sư đoàn 320 tiếp tục quay về bảo vệ căn cứ Đồng Dù”.
Ông Lê Xuân Sửu, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Châu Đình, cũng là đồng đội của CCB Nguyễn Đình Duyên nhớ lại: “Tôi và đồng chí Duyên ở Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 và cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bắt đầu mở màn chiến dịch từ Tây Nguyên, sau đó đánh cứ điểm Đồng Dù thuộc phía Tây thành phố Sài Gòn, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Khoảng 13 giờ ngày 30/4/1975, chúng tôi có mặt tại Dinh Độc Lập của Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi giải phóng miền Nam, chúng tôi được phân công lên truy quét Phun rô ở Tây Nguyên và bắt được 1 đại tá của Phun rô. Tiếp đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ quốc tế giải phóng Campuchia vào năm 1979. Sau khi giải phóng Campuchia, chúng tôi được cơ động bằng máy bay ra án ngữ tuyến 2 ở phía Bắc đến năm 1982”.
Tháng 8/1982, CCB Nguyễn Đình Duyên được cử đi học chuyên gia quân sự 481 của Bộ Quốc phòng tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 12/1983, ông được điều động sang làm chuyên gia giúp đỡ nước bạn Campuchia. Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Sau khi trở về địa phương, ông tích cực tham gia các hoạt động, được nhân dân tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội và giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Chủ tịch Hội CCB xã Châu Đình, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳ Hợp và làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện cho đến bây giờ.
Chia sẻ về người đồng đội của mình, ông Lê Xuân Sửu cho biết: Trong kháng chiến, CCB Nguyễn Đình Duyên luôn có tinh thần chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Khi trở về đời thường, đồng chí đã phát huy được phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, luôn gần gũi, giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, trong thời gian qua, đồng chí đã tích cực hiến đất, tài sản để xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Với những thành tích, chiến công xuất sắc của mình, CCB Nguyễn Đình Duyên đã được tặng thưởng 9 Huân, Huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông chính là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Thu Hường