Văn hóa - Giáo dục

Chuyện về nữ chiến sỹ cứu phi công năm xưa

14:52, 30/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong chiến tranh, đã có không ít câu chuyện bắt giặc lái khi máy bay của kẻ thù bị bắn rơi, song chuyện cứu phi công của ta có lẽ lần đầu tiên được nghe đến. Và, nhân chứng sống năm nào cùng với câu chuyện cảm động đã được tái hiện qua lời kể của người trong cuộc. Bà là Nguyễn Thị Lạc (SN 1944) trú tại khối 15, phường Bến Thủy, TP Vinh.

Bà Nguyễn Thị Lạc
Bà Nguyễn Thị Lạc

Cô chiến sỹ cứu phi công… ta!

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thị xã Vinh, năm 21 tuổi, Nguyễn Thị Lạc cùng nhiều thanh niên xung phong lên đường vào chiến trận, sau đó được biên chế vào Đại đội Công binh phà Bến Thuỷ. 1 năm sau ngày nhập ngũ, bà được điều về Đoàn văn công Tỉnh đội Nghệ An trước khi về công tác tại Xưởng in Quân khu 4 đóng ở xóm Trường Các, xã Thanh Trường (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Tại đơn vị mới, với những thành tích đạt được, bà trở thành một trong những đại biểu vinh dự được dự Đại hội Quyết thắng lực lượng vũ trang Quân khu 4.

Trong căn nhà nhỏ ở khối 15, phường Bến Thủy, TP Vinh, hồi tưởng về những tháng ngày tất cả vì tiền tuyến, bà Nguyễn Thị Lạc bồi hồi cho biết, những ngày mưa bom bão đạn, đọng lại trong ký ức đẹp đẽ nhất của mình là kỷ niệm cứu sống chiến sỹ phi công tiêm kích cách đây gần 50 năm về trước. Đó là vào tháng 7/1968, khi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất. Bà Lạc lúc bấy giờ là chiến sỹ của Xưởng in Quân khu 4, đóng chân ở xã Thanh Trường, huyện Thanh Chương. Khi đó, cả đơn vị đang ăn cơm thì bỗng nghe tiếng máy bay quần thảo trên bầu trời. Một lúc sau, mọi người phát hiện trên không trung có 1 chiếc máy bay bốc cháy. Không kịp báo cáo cấp trên, bà Lạc cùng 1 người khác trong đơn vị xách vội khẩu súng K44, băng đồng chạy đến địa điểm máy bay rơi.

“Thời chiến trận, thấy máy bay rơi là sướng lắm. Cứ tin chắc đó là máy bay của giặc Mỹ nên ai cũng quên hết mệt mỏi, chỉ với ý nghĩ duy nhất là làm sao để trở thành những người có mặt sớm nhất tiếp cận phi công, nếu không nó sẽ bỏ trốn, hoặc đồng bọn sẽ xua quân tới để cứu người, gây khó khăn cho ta trong việc bắt giặc lái”, bà Lạc cho biết.

Khi tiếp cận gần mục tiêu máy bay rơi là ngọn đồi giáp ranh giữa xã Thanh Trường (Thanh Chương) với xã Nam Hưng (Nam Đàn), bà Lạc và đồng đội đã thấy hàng trăm người dân xã Thanh Trường cùng cuốc thuổng, gậy gộc, súng ống ùn ùn đổ ra đồng, với thái độ vừa căm phẫn, vừa vui mừng hò reo, cổ vũ nhau cùng nhanh chóng bắt tên phi công.

Thế nhưng, khi tiếp cận tên “giặc lái”, bà Lạc bất ngờ sững lại khi nhận ra ký hiệu cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của người phi công trẻ. Ngay lập tức, bà giương khẩu súng K44, bắn một phát chỉ thiên và hô to: “Phi công ta bà con ơi, không ai được xâm phạm”. Dòng người đang ào ào như thác bỗng chững lại. Và cũng rất nhanh, mọi người đều xúm vào tìm cách cứu chữa người phi công lúc này đang bị thương rất nặng. “Tình trạng sức khỏe của người phi công lúc bấy giờ rất nguy kịch, cần phải cấp cứu ngay. Sau khi bàn bạc chớp nhoáng, chúng tôi quyết định đưa anh về Xưởng in Quân khu 4 để điều trị”, bà Lạc kể.

Sau một thời gian được sơ cứu và chăm sóc kịp thời, sức khỏe của người phi công đã ổn định và được đơn vị đưa xe từ Hà Nội vào đón. Lúc bấy giờ, bà Lạc và tập thể xưởng in cùng nhân dân xã Thanh Trường mới yên tâm trở lại với công việc hàng ngày.

Tâm nguyện nhỏ nhoi

Binh nhất Phạm Phú Thái, phi công được bà Lạc cứu sống
Binh nhất Phạm Phú Thái, phi công được bà Lạc cứu sống

Chiến tranh loạn lạc, ai cũng lo công việc của mình, bà Lạc và những người tham gia cứu sống người phi công trẻ hôm đó đều chẳng có thời gian nhớ đến câu chuyện đã qua.

Gần 40 năm sau ngày xảy ra sự kiện máy bay rơi, bất ngờ bà Lạc đón chào 1 vị khách lạ tìm đến, người đó không ai khác chính là chiến sỹ phi công năm nào. Anh chính là Trung tướng Phạm Phú Thái, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Lúc này, bà Lạc mới biết rằng, tháng 7/1968, biên đội máy bay của Đại đội 1, Trung đoàn 921 do đồng chí Phạm Thanh Ngân (Anh hùng LLVT, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy, trong đó có đồng chí Thái, làm nhiệm vụ đánh trận ở khu vực Thanh Chương (Nghệ An) để bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam. Không may, máy bay do binh nhất Phạm Phú Thái điều khiển trúng đạn tên lửa của Mỹ. Quá trình nhảy dù xuống địa phận xã Thanh Trường, đồng chí Thái đã bị thương.

Sau này, trong hồi ký của mình, Trung tướng Phạm Phú Thái đã từng viết: “Lúc bấy giờ, tôi đã được Đảng bộ, nhân dân và trực tiếp là các chiến sỹ nữ của đơn vị bộ đội địa phương tận tình chăm sóc, giúp đỡ. Vì bị ngất và rất mệt mỏi sau khi bị thương nên tôi không nhớ rõ họ tên của các cô gái. Vả lại, thời gian ở lại Thanh Trường chỉ có hơn 1 ngày, sau quãng thời gian hơn 30 năm nên cũng không nhớ được tên. Chỉ biết rằng, mỗi khi tôi tỉnh dậy là luôn thấy 1 cô gái thường trực, chăm sóc, quạt mát và xua muỗi cho tôi”. Người con gái ấy không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Lạc.

Trung tướng Phạm Phú Thái sinh năm 1949, phi công, Anh hùng LLVTND. Ông từng kinh qua các vị trí chỉ huy trong không quân với đầy đủ các chức vụ từ Đội trưởng đến Sư đoàn trưởng. Ông từng là Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (sau nhập lại thành phòng không - không quân) trong 12 năm, trong đó có 4 năm làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng phòng không - không quân. Năm 2008, ông là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng rồi nghỉ hưu vào năm 2010.

Câu chuyện tưởng chừng như lãng quên đã được khơi dậy sau lần trở lại đó của Trung tướng Phạm Phú Thái. Với nguyện vọng muốn lưu lại những kỷ niệm tốt đẹp trong đời binh nghiệp, cũng như tấm gương đạo đức của người chiến sỹ cộng sản cho con cháu mai sau, ngày 25/8/2008, bà Nguyễn Thị Lạc đã viết đơn đề nghị khen thưởng và được Giám đốc Xưởng in xác nhận.

Trước đó, vào năm 1998, các ông Phan Văn Đương và Nguyễn Doãn Dật, nguyên Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã Thanh Trường xác nhận nội dung bà Lạc có công cứu sống phi công Phạm Phú Thái. “Sau sự việc này, địa phương chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cấp Bằng khen nhưng do thuyên chuyển công tác, đến nay bà Lạc vẫn chưa nhận được”, (trích nội dung chứng nhận của nguyên lãnh đạo xã Thanh Trường).

Được biết, ngày 28/2/2008, Xưởng in Quân khu 4 cũng đã có tờ trình đề nghị khen thưởng gửi Cục Chính trị Quân khu 4 đối với trường hợp của bà Lạc, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà gần 10 năm trôi qua, tâm nguyện nhỏ nhoi của nữ chiến sỹ này vẫn chưa được đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Lạc chia sẻ, mặc dù hiện sức khỏe không tốt, mắt kém, thường xuyên phải vào viện điều trị, song bà vẫn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động về nguồn do cựu chiến binh các cấp tổ chức. Điều bà hạnh phúc nhất là đến nay, bản thân vẫn nhận được sự quan tâm, động viên của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam cùng nhiều đoàn thể khác, trong đó có Trung tướng Phạm Phú Thái. Đó là động lực, nguồn động viên để bà tiếp tục cống hiến chút sức lực bé nhỏ của mình cho hành trình hành hương về với anh linh các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Như Phương

Các tin khác