Văn hóa - Giáo dục
Đừng là tấm gương mờ
(Congannghean.vn)-Vụ tai nạn của em Trần Chí Kiên tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đã khép lại sau khi quyết định kỷ luật dành cho Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường được công bố. Thế nhưng, đằng sau câu chuyện này sẽ còn là những bài học và dư âm đầy xót xa.
Hình ảnh thầy giáo đánh học sinh mới được lan truyền trên mạng tạo dư luận xấu |
Sẽ không có gì đáng nói nếu như sự việc chiếc taxi đâm vào em Trần Chí Kiên, học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội ngày hôm đó được hai vị lãnh đạo nhà trường đang ngồi trên xe xử lý một cách trung thực và tử tế. Thế nhưng, thay vì đưa em Kiên đến bệnh viện và thừa nhận sự bất cẩn của mình và lái xe cũng như đứng ra nhận trách nhiệm trong sự việc này thì hai vị đứng đầu trường học đã tìm cách giấu nhẹm, kéo theo đó là những bước đi sai lầm kéo dài trong gần 3 tháng qua.
Đỉnh điểm của sự dối trá đó là nhà trường đã phát phiếu thăm dò cho giáo viên và học sinh về vụ tai nạn này rồi đến tâm thư của một nhóm giáo viên để “minh oan” cho cô Hiệu trưởng. Phải mất một thời gian dài để báo chí vào cuộc điều tra đi tìm sự thật. Khi sự thật được phơi bày đã khiến dư luận phải bàng hoàng và vô cùng giận dữ vì sự thiếu trung thực, giả dối của hai cô giáo.
Từng việc làm của họ để che đậy, bưng bít trong thời gian qua đã khiến dư luận vô cùng hoang mang và nghi ngờ về đạo đức, chuẩn mực của nhà giáo, những người vẫn hàng ngày đứng trên bục giảng dạy những bài học về đạo đức, nhân cách con người. Không nghi ngờ, hoang mang sao được khi cách hành xử của những người đứng đầu trường học lại đi ngược lại những bài học tối thiểu về đạo đức mà hàng ngày họ vẫn dạy cho học sinh.
Trong câu chuyện này, dư luận phẫn nộ về hành vi của cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó là rõ ràng, nhưng không ít người bày tỏ sự giận giữ trước thái độ vô cảm của một số bộ phận giáo viên không dám lên tiếng nói ra sự thật trong suốt một thời gian dài. Xét về một góc độ nào đó có thể thông cảm cho họ bởi trong xã hội này, sức mạnh của quyền lực có thể khiến người ta sợ hãi, không dám đứng lên để đấu tranh phê phán cái xấu mà chỉ im lặng, làm theo chỉ đạo của người đứng đầu.
Thế nhưng, cũng có số đông giáo viên đã dũng cảm đứng lên nói ra sự thật, bởi họ cảm thấy bức xúc và xấu hổ khi danh dự, lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp của họ bị xúc phạm ghê gớm. Cũng dễ hiểu thôi, bởi xét cho cùng nhà giáo vẫn là một nghề cao quý và trường hợp của cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và vị Hiệu phó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nói như thế cũng không có nghĩa chúng ta không thẳng thắn nhìn nhận những hành vi không đúng chuẩn mực trong một bộ phận giáo viên hiện nay. Cách đây vài ngày, một video clip thầy giáo và nữ sinh đánh nhau được ghi lại trong một tiết học của trường THPT ở Hậu Giang được chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội. Chúng ta chê trách cô nữ sinh này một phần thì lên án, xấu hổ về hành xử của thầy giáo gấp nhiều lần. Dù học trò có sai đến đâu thì thầy giáo cũng nên bình tĩnh, cứng rắn để giải quyết thay vì giơ nắm đấm và lao vào hành xử tay đôi như học trò như vậy.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, trên giảng đường sẽ không còn những hình ảnh xấu xí, méo mó về nhân cách như vừa qua.
Sự việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên đã khép lại, hai cô giáo cũng đã bị kỷ luật cách chức để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi của mình. Và chắc chắn bản án lương tâm cùng dư luận sẽ tiếp tục dày vò hai nhà giáo này. Rất may, sự việc này đã kịp thời được báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Dù muộn nhưng sự việc đã được làm rõ và để lại bài học đắt giá với những người đang công tác trong ngành giáo dục. Và hơn ai hết, những nhà giáo xin đừng là những tấm gương mờ cho con trẻ. Tương lai của thế hệ trẻ cần được giáo dục bởi những người tử tế, bằng những tâm hồn và nhân cách trong sáng, chuẩn mực.
Thương Huyền