Văn hóa - Giáo dục
Để hoạt động 'Kế hoạch nhỏ' ý nghĩa, thiết thực
(Congannghean.vn)-Nhằm giáo dục ý thức tiết kiệm, tình yêu lao động, trách nhiệm cộng đồng, qua đó góp phần thúc đẩy thiếu nhi tích cực tham gia các hoạt động mang lại lợi ích xã hội, nhiều năm qua, phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong nhà trường đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, thay vì những hình thức phù hợp, phong trào này đang có những cách làm khiến nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy phiền hà…
Học sinh thu gom lon bia làm kế hoạch nhỏ |
Làm kế hoạch nhỏ, lắm chuyện phiền hà
Vừa qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh than phiền cách làm phong trào “Kế hoạch nhỏ” của nhiều trường học. Hình thức thu gom giấy loại hoặc vỏ lon bia đã qua sử dụng gây phiền hà cho rất nhiều bậc phụ huynh. Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập, TP Vinh phàn nàn: “Nhà tôi có 2 mẹ con, không uống bia và nước ngọt. Mỗi lần nhà trường yêu cầu học sinh nộp lon bia, tôi lại phải đi đến các cửa hàng phế liệu mua cho con… Thành ra, hành động trở nên dối trá khi phải gom nhặt để nộp thì lại đi mua để đối phó…”.
Mới đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện hình ảnh nhiều học sinh ra Tết đi lượm lon bia tại các quán nhậu để nộp cho trường, có em phải nhờ bố mẹ sang nhà hàng xóm xin để về nộp cho kịp, nếu không sẽ bị hạ loại thi đua, bị khiển trách…
Một cô giáo chia sẻ: “Mục đích của phong trào “Kế hoạch nhỏ” là để giúp các em có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường…”. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với nhiều gia đình ở thành phố, thứ gì không dùng sẽ cho, vứt hoặc bán. Vì vậy, để con hoàn thành chỉ tiêu, bắt buộc các bậc phụ huynh phải đến các cửa hàng phế liệu tìm mua cho con. Ngược lại, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, họ phải đi xin hoặc lượm lặt lon bia cho con nộp… Chưa kể, thay vì những hình thức khuyến khích, động viên, nhiều trường học còn lấy đó làm chỉ tiêu, cộng vào điểm thi đua, nếu học sinh không hoàn thành sẽ bị khiển trách. Điều này vô hình trung tạo ra một cuộc đua giữa các lớp, gây áp lực cho học sinh.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi 2 tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa TNTP tại Hải Phòng. Ngày 2/12/1958, Trưởng ban Thường vụ Quốc Hội Tôn Đức Thắng đã viết thư cho phép mở rộng phong trào trên toàn miền Bắc. Sau khi thống nhất đất nước, phong trào thực hiện thêm ở miền Nam. Các hoạt động chủ yếu của phong trào như: Thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm… Sau nhiều năm, phong trào phát triển rộng khắp và đạt nhiều kết quả. |
Để phong trào “Kế hoạch nhỏ” ý nghĩa, thiết thực
Trên thực tế, mục đích của phong trào “Kế hoạch nhỏ” là giáo dục ý thức cho học sinh về tính tiết kiệm, trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với cách làm trên đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp mà phong trào hướng tới. Tại Nghệ An, năm học 2016 - 2017, chủ đề của phong trào “Kế hoạch nhỏ” là “giúp bạn đến trường”. Theo đó, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai nhiều biện pháp thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Chúng ta không nên áp đặt phải làm phong trào thế này hay thế khác. Tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, từng trường để có cách làm hiệu quả. Phong trào “Kế hoạch nhỏ” phải thực sự đạt mục tiêu, ý nghĩa giáo dục, phát huy tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, phù hợp với thiếu nhi và điều kiện của mỗi địa phương. Việc sử dụng kinh phí vận động được từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” cần đảm bảo tính công khai, đúng mục đích và nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước. Không thu tiền mặt từ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo đó, có thể triển khai theo hình thức truyền thống như thu gom giấy vụn, tiến hành vận động học sinh thu nhặt giấy vụn trong quá trình vệ sinh trường, lớp, tích lũy sách báo đã qua sử dụng hàng ngày để tham gia phong trào, xây dựng công trình măng non tại các cơ sở Đoàn, hỗ trợ, giúp đỡ các em đội viên, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các xã miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo vươn lên học giỏi; tổ chức quyên góp đồ chơi, sách truyện, đồ dùng học tập còn sử dụng được hoặc tổ chức các hoạt động vận động, nhằm xây dựng quỹ thiếu nhi nghèo vượt khó, đàn gà khăn quàng đỏ tặng đội viên, thiếu nhi khó khăn…
Trở lại với vấn đề đang được các bậc phụ huynh quan tâm, thay vì cách làm trên, thiết nghĩ sở GD&ĐT các địa phương cần có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như tình hình thực tế hiện nay. Các nhà trường cần coi trọng công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp phụ huynh, học sinh để phụ huynh hiểu được ý nghĩa, mục đích của phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Trên cơ sở tổng hợp nhiều phương án để nhà trường và học sinh có sự đồng thuận. Hy vọng với cách làm hay, ý nghĩa, thiết thực, các trường học sẽ giữ nét đẹp truyền thống của phong trào đã từng được nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh yêu mến.
Phan Tuyết