Văn hóa - Giáo dục
Nghệ An tưng bừng vào mùa lễ hội
1. Tối 16/2, TX Hoàng Mai đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Cờn và khai trương du lịch TX Hoàng Mai. Lễ hội đền Cờn hàng năm được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng Giêng, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Đây được xem là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ và hiện đang lưu giữ nhiều nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng của ngư dân Nghệ An nói chung và vùng biển Hoàng Mai nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lẫm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao Bằng công nhận lễ hội đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Ảnh: Nguyễn Vân |
Trước những giá trị văn hóa và lịch sử tốt đẹp đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là cơ sở để chính quyền địa phương và bà con nhân dân tiếp tục giữ gìn, phát huy những bản sắc tốt đẹp và thiêng liêng của lễ hội này.
Lễ hội đền Cờn có nhiều hoạt động đặc sắc trong phần lễ và phần hội như lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; hội thi chim, thi đấu các môn thể thao: Đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống... Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương và các vị thần có công với dân, với nước cùng với các tín ngưỡng sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn trong các phần lễ và phần hội đã tạo nên một lễ hội đền Cờn đậm đà bản sắc.
2. Vừa qua, huyện Nghi Lộc tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đền Diên Cờ, huyện Nghi Trường. Được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, đền Diên Cờ là nơi thờ các vị thần, nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân, với nước, được nhân dân tôn kính. Trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và trở thành nơi họp bàn các hoạt động cách mạng bí mật của Huyện uỷ Nghi Lộc.
Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đền Diên Cờ trở thành công trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Tại đền hiện còn lưu giữ 7 đạo sắc phong có giá trị cao về mặt lịch sử, ngôn ngữ, địa danh... Vào các ngày từ 19 - 22/1 Âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc.
3. Trong các ngày từ 20 - 22 tháng Giêng, tại Quỳ Châu đã tưng bừng diễn ra lễ hội Hang Bua với nhiều hoạt động sôi nổi. Lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm là dịp phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quỳ Châu nói riêng.
Theo tích xưa, địa danh Hang Bua gắn liền với mối tình chung thuỷ giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật. Đây là một lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để người dân vùng đất Quỳ Châu (hay còn gọi là mường Chiêng Ngam) gửi gắm nguyện vọng tâm linh và nhớ lại truyền thuyết về một lễ hội với những sắc màu huyền thoại. Lễ hội được bắt đầu với nghi thức cúng các vị thần có công khai bản lập mường Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông tại đền thờ thành hoàng Chiêng Ngam, sau đó là các hoạt động lễ, hội như biểu diễn cồng chiêng, khắc luống, cắm trại, diễn xướng rượu cần kết hợp hát nhuôn, cuộc thi người đẹp Hang Bua…
Anh Quân (tổng hợp)