Văn hóa - Giáo dục
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2017)
Tấm gương chiến sỹ cộng sản kiên trung
08:21, 09/02/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tổng Bí thư Trường Chinh là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Ở đồng chí Trường Chinh đã thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chặng đường cách mạng kiên trung và sôi nổi
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục rất cơ bản. Ông nội là Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến sỹ khoa Bính Thìn (1856), một người học rộng, tài cao, văn võ toàn tài, tính tình trung thực, có tinh thần kiên quyết chống Pháp, từng làm Án sát, Tuần phủ ở một số tỉnh, sau làm đốc học Nam Định. Thân phụ là Đặng Xuân Viện, nổi tiếng trong việc viết sách và khảo cứu trên nhiều lĩnh vực.
Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã góp phần hun đúc tình cảm, lý tưởng cách mạng ở đồng chí Trường Chinh. Trải qua nhiều chặng đường vất vả, gian khó với nhiều thử thách, đồng chí vẫn giữ nguyên tấm lòng nhiệt tình cách mạng. Đồng chí Trường Chinh tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi; tích cực tìm hiểu nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1925 - 1939, lúc hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt thành cách mạng tham gia truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân, trong đó có nhiều nhân vật cốt cán của cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 20/10/1980 - Ảnh tư liệu |
Sau quá trình hoạt động cách mạng, tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn, kiêm chủ bút báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Năm 1943, đồng chí bị Toà án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội kết án tử hình vắng mặt. Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến tháng 10/1956.
Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Quốc Hội và công tác tư tưởng của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị chuẩn bị và đề ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 7/1986, tại Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 12/1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.
Cống hiến đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới. Quyết tâm đổi mới thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng, đồng chí nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Và Đại hội VI đã trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng.
Một nhân cách văn hóa lớn
Không chỉ là một nhà lý luận văn hóa, nhà lãnh đạo văn hóa, bản thân đồng chí Trường Chinh còn thể hiện phẩm chất toàn diện của một nhân cách lớn. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hóa. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Nổi bật nhất là Đề cương Văn hóa Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Đó là cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa mà đến nay vẫn nguyên giá trị, có ý nghĩa lớn lao cho chúng ta xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đồng chí Trường Chinh còn nổi tiếng với nhiều bài viết sắc sảo, có sự kế tục báo chí cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tạo nên văn phong chính luận, có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp nhân dân. Với bút danh Sóng Hồng, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều bài viết nổi tiếng, thể hiện quan điểm cách mạng kiên trung và gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
81 năm tuổi đời (1907 - 1988), 63 năm liên tục hoạt động cách mạng kiên cường, đồng chí Trường Chinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời của người chiến sỹ cách mạng, một nhà lãnh đạo với nhiều cống hiến to lớn cho đất nước, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh cho cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đất nước.
Mai Hậu (tổng hợp)