Văn hóa - Giáo dục
Phát huy giá trị di sản văn hóa trong các lễ hội
14:58, 22/02/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sự kiện lễ hội đền Cờn (TX Hoàng Mai) đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vừa qua là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân TX Hoàng Mai nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Cùng với đền Cờn thì lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong) là hai lễ hội đầu tiên ở Nghệ An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội.
Lễ hội đền Cờn mang đậm bản sắc của ngư dân biển Quỳnh vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể |
Cùng với lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong) được tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch cũng mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như lễ hội đền Cờn mang đậm nét văn hóa của ngư dân miền Trung thì lễ hội đền Chín Gian là lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào Thái, với nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền.
Theo quan niệm của đồng bào Thái, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong năm, vì vậy công tác chuẩn bị cho lễ hội rất được coi trọng. Xét về giá trị văn hóa, lễ hội thể hiện đặc trưng nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Thái. Lễ hội này được xem là một bảo tàng sống động với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái, là nơi quy tụ, giao thoa của nhiều nét văn hóa, màu sắc tín ngưỡng khác nhau.
Phạm vi ảnh hưởng của lễ hội này khá rộng, trước khi lễ hội diễn ra, các mo sẽ thông báo cho 9 mường biết đồ vật cúng lễ, thời gian tổ chức để chuẩn bị. Các nghi lễ do các mo đảm nhận thể hiện lòng thành kính và biết ơn Vua trời, người có công khai bản lập mường. Nghi lễ chém trâu là nghi lễ đặc trưng và độc đáo trong lễ hội, tuy nhiên, đó chỉ là nghi thức truyền thống. Ngày nay, nghi lễ chém trâu vẫn được duy trì nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng, chỉ đặt rìu lên gáy của con trâu thể hiện nét văn minh, tránh gây phản cảm trong lễ hội mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào.
Tính đến thời điểm này, cả nước có 202 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc 2 lễ hội tại Nghệ An nằm trong danh mục này là một điều đáng tự hào. Xét về giá trị văn hóa lịch sử và khâu tổ chức cả hai lễ hội đều mang những nét đặc trưng riêng và có nhiều dấu ấn đối với người dân địa phương và du khách mà không bị pha lẫn hay gây cho du khách cảm giác na na giống với lễ hội khác.
Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội được chính quyền địa phương rất coi trọng, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, xây dựng các phương án đảm bảo ANTT, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống các hoạt động mê tín dị đoan. Trong các lễ hội, ban tổ chức cũng đã mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực của địa phương đến với du khách. Hiện, TX Hoàng Mai cũng đã kết nối với các công ty lữ hành nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu các tour du lịch tâm linh kết hợp du lịch biển.
Ông Tô Huy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai, Trưởng ban Tổ chức lễ hội đền Cờn cho biết: Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tiến hành quy hoạch khuôn viên bên ngoài, đầu tư xây dựng một số công trình phía bên ngoài, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, đặc biệt là tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội để nơi đây thành điểm du lịch tâm linh phục vụ du khách. Địa phương cũng sẽ tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch di tích đền Cờn gắn với quy hoạch phát triển du lịch của thị xã”.
Thương Huyền