Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)

Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến

08:48, 19/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 19/12/1946, trước hành động gây hấn của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Do bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp, nền độc lập non trẻ của dân tộc Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” với thù trong giặc ngoài đe dọa vận mệnh dân tộc. Trước dã tâm cướp nước ta một lần nữa, từ ngày 23/9/1945, thực dân Pháp liên tục có những hành động gây hấn. Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Trong các ngày từ 15 - 18/12/1946, thực dân Pháp liên tục nổ súng gây ra các vụ tàn sát đẫm máu tại Hà Nội. Trước tình thế đó, ngày 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Pháo đài Láng, nơi bắn phát pháo lệnh mở đầu toàn quốc kháng chiến
Pháo đài Láng, nơi bắn phát pháo lệnh mở đầu toàn quốc kháng chiến

Hưởng ứng Lời kêu gọi, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Sáng 20/12, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không, chung ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như lời hịch của non sông, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước truyền thống anh hùng bất khuất, động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ vào lúc 20 giờ, quân và dân thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, đảm bảo an toàn cho nhân dân, chuyển hàng nghìn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến.

Ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hội nghị quân sự lần thứ nhất có chủ trương “tiêu thổ triệt để ở Hà Nội và Vinh để nêu cao tinh thần quyết chiến của nhân dân ta”. Hưởng ứng chủ trương đó, với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, một lòng cho cách mạng, người dân TP Vinh đã không ngại hy sinh nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... kết hợp với tiêu thổ, công tác bố phòng, chuẩn bị lực lượng kháng chiến cũng được đẩy mạnh. Một loạt hầm hào giao thông được đào ngang xẻ dọc, các chiến lũy được dựng lên, chỉ một đoạn ngắn từ TX Vinh đến Bến Thủy đã được đắp thành 31 ụ lớn… Cũng từ đây, “Trại lúa vàng” - mô hình sản xuất tập thể đầu tiên của thanh niên Nghệ An ở Triều Dương (Anh Sơn), mô hình “Quán quân nhân” do Hội Phụ nữ cứu quốc thị xã thành lập dọc theo tuyến đường 1 qua Quỳnh Lưu để giúp đỡ bộ đội, cán bộ trên đường hành quân hay công tác được thành lập.

Tháng 3/1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã chuyển lên Việt Bắc an toàn. Nơi đây trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi hoạt động của ta chuyển hướng theo hoàn cảnh thời chiến và phục vụ kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân và dân Thủ đô và cả nước trong những ngày đầu kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ chí Minh, quân và dân ta vừa đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, giành thắng lợi vẻ vang trong các chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, chiến dịch biên giới năm 1950…

Lợi dụng sự sa lầy của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp và ngày càng can thiệp sâu vào cuộc kháng chiến, sẵn sàng thay Pháp kéo dài chiến tranh. Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2/1951, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ lúc này của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn để bảo vệ hòa bình. Trước sự chỉ đạo của Đảng, phát huy thế tiến công chiến lược, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng và làm thất bại kế hoạch Nava của thực dân Pháp, buộc Nava phải đưa quân chủ lực lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành cứ điểm khổng lồ để tiêu diệt “chủ lực Việt Minh”.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Việt Nam đã đập tan cứ điểm quân sự cao nhất của thực dân Pháp, tạo nên “cột mốc vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công Chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

70 năm trôi qua, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử. Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PV

Các tin khác