Văn hóa - Giáo dục
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng
Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên 2017 với nhiều điểm mới, khắc phục bất cập của những năm trước.
Ảnh minh họa |
Năm 2016, công tác tuyển sinh vẫn còn tồn tại 3 bất cập cần được khắc phục: Thí sinh không đăng ký xét tuyển được ngành yêu thích vào những trường có tính cạnh tranh khác nhau; các trường gặp khó khăn trong việc xác định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển mà không nhập học, khiến nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu; không công bằng đối với thí sinh khi các trường hạ điểm trúng tuyển.
Quy chế năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành cơ bản như năm 2016 nhưng có một số quy định mới nhằm khắc phục các bất cập nêu trên.
Các trường tự tổ chức thi và xét tuyển nhiều đợt trong năm
Về tổ chức tuyển sinh, Dự thảo quy định, với các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển cần xác định và công bố công khai việc dùng các tổ hợp điểm thi của các bài thi/môn thi (bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) và các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành.
Với các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu... kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển.
Với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển: Cần lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh theo quy định trên. Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.
Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển, phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.
Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Tuy nhiên, các trường phải bảo đảm các yêu cầu: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.
Tối thiểu 25% chỉ tiêu để xét tuyển cho các khối thi truyền thống
Bộ yêu cầu những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.
Việc thêm các tổ hợp môn thi, bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong 2 môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh
Để giúp cho các trường loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường, Bộ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh nhằm lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Quy trình xét tuyển được thực hiện như sau: Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường theo quy định.
Sau đó, các trường/nhóm trường nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
Các trường/nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp. Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).
Đáng chú ý là trong công tác tổ chức xét tuyển, Bộ dự kiến sẽ không đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.
Không giới hạn số nguyện vọng, số trường
Một điểm mới quan trọng về xét tuyển trong dự thảo mới là thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong đợt 1, đối với các trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi/bài thi theo thang điểm 10 đối với từng môn thi/bài thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng của Quy chế này.
Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển đối với thí sinh ĐKXT nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo các điều kiện phụ mỗi trường đã thông báo.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.
Được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia
Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của Sở GD&ĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến (không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường).
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.
Xét tuyển bổ sung được thực hiện nhiều lần
Các trường tự chủ hoàn toàn khi thực hiện xét tuyển bổ sung. Xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.
Nguồn: Chinhphu.vn