Văn hóa - Giáo dục

Lấy ý kiến lần 2 về Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017

09:00, 10/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Dự thảo lần này được Bộ GD&ĐT điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên, học sinh, chuyên gia giáo dục, cũng như từ các sở GD&ĐT địa phương, đong đảo người dân.

Theo Dự thảo, Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Kỳ thi tổ chức thi 5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với GDTX).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH); thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (KHTN và KHXH), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh hệ THPT có thể thi cả 5 bài thi, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội du ng thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ (gọi chung là trường ĐH, CĐ phối hợp) đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu: In sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.

Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của buổi thi bài Ngoại ngữ (ở cùng Điểm thi), được xếp các thí sinh dự thi các bài Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo bài.

Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số Điểm thi do Giám đốc sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh GDTX được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi KHXH.

Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát; trường hợp cần cấp cứu, việc ra khỏi phòng thi và khu vực thi của thí sinh do Trưởng Điểm thi quyết định.  Khi dự thi các môn trắc nghiệm, thí sinh không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài.

Với đề thi, dự thảo quy chế nêu rõ: đề thi đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH-CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm.

Dự thảo cũng nêu cụ thể về trường hợp đề thi bị lộ. Theo đó, chỉ có Ban Chỉ đạo thi quốc gia mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi. Khi đề thi chính thức bị lộ, Ban Chỉ đạo thi quốc gia quyết định đình chỉ môn thi bị lộ đề. Các môn thi khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn thi bị lộ đề sẽ được thi bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi.

Kỳ thi thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD&ĐT cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GD&ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

Ngoài ra Quy chế cũng quy định về đối tượng và điều kiện dự thi; tổ chức đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; Công tác đề thi; Tổ chức coi thi; Tổ chức chấm thi; Tổ chức phúc khảo và chấm thẩm định; Thanh tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và vi phạm...

Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017 đến hết ngày 1/1/2017.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác