Văn hóa - Giáo dục

Như mạch nguồn chảy mãi…

08:36, 06/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau 2 năm kể từ ngày được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 27/11/2014), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thực sự lan tỏa trong đời sống cộng đồng và khẳng định được sức sống bền bỉ trong xã hội. Bằng sự mộc mạc, sâu lắng, chân chất và nghĩa tình, dân ca ví, giặm đã hòa vào mạch nguồn dòng chảy văn hóa của cả nhân loại và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân xứ Nghệ.

Chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm” được biểu diễn vào thứ 7 hàng tuần để chào mừng 2 năm ngày dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm” được biểu diễn vào thứ 7 hàng tuần để chào mừng 2 năm ngày dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Để kỷ niệm 2 năm ngày Unesco công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từ ngày 27/11 đến hết ngày 31/12/2016, vào tối thứ 7 hàng tuần, sân khấu của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ luôn “đỏ đèn” công chiếu các vở diễn, làn điệu dân ca ví, giặm lời cổ và các tác phẩm đã đạt giải cao trong các kỳ hội diễn, liên hoan dân ca ví, giặm.

Theo đó, đã có rất đông các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và bà con nhân dân đến xem, ủng hộ các đêm diễn. Đặc biệt, tối 3/12, các nghệ sỹ, diễn viên vinh dự được đón tiếp đồng chí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm và thưởng thức chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm”.

Sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như tình cảm yêu mến của nhân dân là minh chứng cho việc dân ca ví, giặm ngày càng được đón nhận nồng nhiệt, có sức sống bền bỉ và thực sự lan tỏa trong cộng đồng. Kể từ khi được vinh danh đến nay, cả 2 địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm, nhất là công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị dân ca ví, giặm đến với cộng đồng.

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ phấn khởi cho biết: “Điều đáng mừng nhất kể từ sau khi dân ca được vinh danh đó là cộng đồng người dân xứ Nghệ ở trong và ngoài nước đã có trách nhiệm hơn với dân ca ví, giặm. Họ yêu dân ca và đã có ý thức, trách nhiệm đưa dân ca giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước”.

Sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá hình ảnh di sản với công chúng được thể hiện rõ nhất trong các chương trình “Ân tình ví, giặm” do Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tổ chức ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Những chương trình này đã thu hút đông đảo cộng đồng người Nghệ và người dân trên cả nước tham gia và để lại dấu ấn tốt đẹp.

Không chỉ gây ấn tượng ở trong nước, dân ca ví, giặm đã được giới thiệu và biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới thông qua 5 chuyến lưu diễn chính thức ở nước ngoài. Đây là những chuyến đi trong chương trình giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Điều đặc biệt là trong những chuyến biểu diễn ở nước ngoài, dân ca xứ Nghệ đã gây ấn tượng mạnh với công chúng bằng lối hát độc đáo và không gian diễn xướng đặc trưng.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về dân ca, địa phương đã chú trọng đến việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các hệ thống. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có gần 100 CLB với hơn 2.000 hội viên. Hầu hết các địa phương đều thành lập CLB dân ca, đây không chỉ là nơi lưu giữ và trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ mà còn góp phần làm khởi sắc phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, Nghệ An đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ CLB trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở địa phương; kêu gọi chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể tăng cường trách nhiệm, hỗ trợ cộng đồng, cùng CLB và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn dân ca; phục hồi, lưu truyền các điệu lời cổ… Các cấp chính quyền địa phương cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị để CLB có điều kiện thực hành thường xuyên và khuyến khích đông đảo công chúng hát dân ca.

Sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh, đời sống của các nghệ sỹ, diễn viên đã được nâng lên một cách rõ rệt. Trước đây, với đồng lương ít ỏi, những nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ phải chật vật, làm thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống thì nay, chế độ đãi ngộ của họ đã được cải thiện và nâng cao, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các nghệ sỹ yên tâm lao động và cống hiến.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân - những người được xem là “giữ hồn di sản” đã được cải thiện. Trong tổng số 100 nghệ nhân của Nghệ An đã có 26 nghệ nhân dân ca ví, giặm được công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Song song với đó, tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận. Sau 2 năm tích cực tuyên truyền giới thiệu, quảng bá dân ca ví, giặm, chúng ta hoàn toàn mãn nguyện và có quyền tự hào khi dân ca đã được chuyển giao, trao truyền qua từng thế hệ. Điều này thể hiện rõ nhất tại kỳ liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016.

Liên hoan đã phát hiện nhiều gương mặt nhỏ tuổi, các tài năng nhí có niềm đam mê đặc biệt với dân ca và thực hành đúng các làn điệu dân ca, nhất là các làn điệu mới. Mặc dù còn ít tuổi nhưng các em đã có tình yêu với câu hò điệu ví và có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở. Rõ ràng, dân ca ví, giặm đã thực sự hòa vào đời sống của nhân dân và chạm đến trái tim những người yêu nhạc.

Sự vào cuộc tích cực của ngành Giáo dục trong việc đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học, phối hợp tổ chức dạy hát dân ca trên truyền hình đã giúp học sinh hiểu hơn về di sản văn hóa mà cha ông để lại và khuyến khích phong trào hát dân ca trong học sinh sinh viên…Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê di sản vẫn đang được triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm trong đời sống đương đại.

2 năm sau ngày được vinh danh, dân ca ví, giặm đã thực sự vươn lên một tầm cao mới, hòa nhập và lan tỏa trong cuộc sống cộng đồng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để giúp dân ca ví, giặm ngày càng vươn xa thì công cuộc bảo tồn và phát huy cần phải được duy trì thường xuyên để di sản có chỗ đứng vững chắc và bền bỉ theo thời gian.

Huyền Thương

Các tin khác