Văn hóa - Giáo dục
Trình độ tiến sĩ của Việt Nam phải ngang bằng với các nước ASEAN
Trước yêu cầu của thực tiễn về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tình hình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới và lấy ý kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành thành quy chế.
Ngày 23-11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ với báo chí về những điểm mới trong Dự thảo này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Cấu trúc của Dự thảo quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.
Ngoài ra, Dự thảo quy chế mới cũng sẽ bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh (NCS), trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và NCS trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
“Khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu, vì vậy trước khi bắt đầu làm luận án, NCS phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.
Ảnh minh họa: Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới sẽ “siết” các điều kiện đầu vào để nâng cao chất lượng đầu ra. |
Mặt khác, quy chế mới cũng đòi hỏi NCS phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm NCS tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn”- bà Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của bà Phụng, không chỉ NCS mà đòi hỏi về người hướng dẫn cũng được yêu cầu cao hơn trong Dự thảo quy chế mới.
Cụ thể, quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của NCS. Bên cạnh đó, người hướng dẫn còn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo.
Liên quan đến những điểm mới như thời gian đào tạo, hình thức đào tạo và khung trình độ đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: Trong Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới, tổng thời gian đào tạo (kể cả thời gian gia hạn) sẽ rút ngắn hơn để đảm bảo phù hợp với xu thế chung và khác nhau đối với từng đối tượng tham gia dự tuyển (có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ).
Tuy nhiên, thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án sẽ là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây), nhằm phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thức đào tạo là tập trung toàn thời gian và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm quản lý nghiên cứu sinh trong toàn bộ thời gian này.
Ngoài ra, cũng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN, tiến sĩ là bậc cao nhất (bậc 8/8). Do vậy, để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.
Nguồn: Báo CAND