Văn hóa - Giáo dục
Kiên quyết xử lý tập thể, cá nhân làm trái quy định
Lạm thu núp bóng “tự nguyện”
(Congannghean.vn)-Bức xúc, lo lắng là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi các khoản đóng góp tự nguyện bị nhà trường áp đặt, bắt buộc. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, thêm một khoản đóng góp là người dân lại thêm lo toan, trăn trở.
Tại Trường Mầm non xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, khi nhận được thông báo của nhà trường về các khoản thu đầu năm, các bậc phụ huynh nơi đây thực sự sốc bởi tổng số tiền phải đóng là hơn 3.300.000 đồng/học sinh. Trong đó, các khoản đóng góp tự nguyện đều mang tính bắt buộc như: Tiền vận động xã hội hóa 700.000 đồng, tiền thuê cô nấu ăn thay cha mẹ cho học sinh bán trú 344.000 đồng; tiền đồ dùng học liệu 365.000 đồng… Thắc mắc, bức xúc nhưng họ chỉ biết cầu cứu các cơ quan báo chí.
Trường Mầm non xã Hưng Thắng vừa bị Sở GD&ĐT yêu cầu trả lại các khoản thu trái quy định cho phụ huynh |
Không riêng gì Trường Mầm non xã Hưng Thắng mà nhiều trường học trên địa bàn đã đề ra các khoản thu ngoài quy định như Trường Mầm non Giang Sơn Tây (Đô Lương) thu thêm mỗi học sinh 50.000 đồng để mua đàn Oórgan cho nhà trường…
Trong năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức thanh tra tại 117 trường. Kết quả có tới 35 trường sai phạm (chiếm 29,9%), trong đó có 4 trường thu vượt mức quy định cho phép, 20 trường thu sai quy định. Nhiều trường chưa được sự phê duyệt kế hoạch vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn tổ chức vận động; nhiều lớp trong trường có mức thu cào bằng, vận động đóng góp ở mức cụ thể; một số trường chưa thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các khoản thu chi liên quan đến xã hội hóa giáo dục.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, tại 16 trường xuất hiện tình trang “thu hộ, thu thỏa thuận” như: Thay cha mẹ chăm sóc học sinh; hỗ trợ học tập; “thu hộ” tiền mua đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Đến năm học 2016 - 2017, tình trạng lạm thu tiếp tục tái diễn. Cũng với chiêu “tự nguyện”, mức thu xã hội hóa có trường lên tới 700.000 đồng, lớp đầu cấp thì tiền xã hội hóa càng cao. Bởi vậy, vào đầu năm học, tổng số tiền phải nộp của mỗi học sinh có thể lên tới hơn 3 triệu đồng. Đối với những gia đình làm nông có 2 đứa con đi học, phụ huynh phải bán lợn, gà, thậm chí bán lúa non để đóng các khoản đầu năm cho con. Câu hỏi đặt ra là tại sao dù đã thanh tra và có hình thức xử lý nhưng tình trạng lạm thu vẫn tái diễn và không được giải quyết dứt điểm?
Trong quá trình xác minh thông tin bạn đọc phản ánh về tình trạng lạm thu ở các trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ghi nhận không ít “tâm tư” của hiệu trưởng các trường. Sức ép sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn, chi cho các hoạt động trong năm học… trong khi nguồn hỗ trợ từ ngân sách không có, buộc các trường phải huy động nguồn từ phụ huynh hay “xé rào” đề ra các khoản thu ngoài quy định.
Thu sai, không phải cứ trả lại tiền là xong!
Trên thực tế, hàng năm trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo hướng dẫn việc thu, chi đầu năm và chấn chỉnh công tác thu, chi. Mới đây, Sở cũng ban hành Công văn số 2274 chấn chỉnh công tác thu chi đầu năm học 2016 - 2017. Công văn chỉ rõ, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong thu, chi đầu năm học, không thực hiện theo văn bản quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, gây bức xúc đối với các bậc phụ huynh.
Để kịp thời chấn chỉnh và xử lý dứt điểm các vụ việc thu, chi trái quy định trong các trường học, Sở GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo phòng GD&ĐT cũng như các phòng, ban liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các khoản thu, chi đầu năm học tại các đơn vị trường học trên địa bàn quản lý; đồng thời, kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những tập thể và cá nhân cố tình làm trái các quy định của Nhà nước.
Theo đó, Sở GD&ĐT cũng đã thành lập các đoàn, kiểm tra công tác mua sắm, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, tài sản và thiết bị dạy học; công tác quản lý tài chính, tài sản, công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện các khoản thu chi trong các trường.
Trên thực tế, từ những thông tin phản ánh trên báo chí, nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các khoản thu, chi đã bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Các khoản thu trái quy định cũng buộc phải trả lại cho phụ huynh. Việc trả lại các khoản thu trái quy định là đương nhiên nhưng không phải cứ thu sai trả lại là xong, bởi nếu như vậy tình trạng lạm thu vẫn không thể chấm dứt và giải quyết dứt điểm.
Theo ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An, để hạn chế tình trạng lạm thu tại các trường học, ngoài việc yêu cầu các trường trả lại các khoản thu sai quy định, Phòng đề nghị không xếp loại thi đua đối với trường và ban giám hiệu các trường bị kết luận thu sai, lạm thu.
Tại cuộc giao ban báo chí tháng 10/2016, vấn đề lạm thu trong trường học cũng được đề cập sâu. Theo đó, các cơ quan báo chí đã thẳng thắn đề nghị cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng trên, trong đó, trước hết cần xóa bỏ các khoản thu tự nguyện đối với học sinh. Ông Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: “Nếu các cơ quan quản lý giáo dục, đứng đầu là Sở GD&ĐT phát huy tốt vai trò quản lý Nhà nước của mình, thường xuyên thanh, kiểm tra cơ sở và xử lý nghiêm sau thanh tra thì tình trạng lạm thu sẽ dần được ngăn chặn”.
Huyền Thương