Văn hóa - Giáo dục
Chuyển biến tích cực trong công tác phân luồng
(Congannghean.vn)-Vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị công tác đào tạo nghề trong trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) năm 2016. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hội nghị đã rút kinh nghiệm và chỉ ra những thuận lợi, tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai…
Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc |
Từ năm 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT ban hành Văn bản số 670 về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tuy nhiên, phải đến năm học 2014 - 2015 và 2015 - 2016 mới được triển khai mạnh mẽ. Kết quả, đã có khoảng 25% học sinh bậc THCS và khoảng 40% học sinh bậc THPT lựa chọn phân luồng, số học sinh tốt nghiệp tham gia học nghề tăng. Năm học 2016 - 2017, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác phân luồng, nhiều mô hình đào tạo nghề cho học sinh trong các trường THPT, TTGDTX đang được triển khai thí điểm và thu hút khoảng 42% học sinh không có nhu cầu và khả năng học đại học, cao đẳng.
Có thể thấy, qua công tác tuyên truyền, nhận thức của phụ huynh, học sinh đã được nâng cao. Năm 2016, Sở GD&ĐT tổ chức tư vấn hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ mở 2 lớp tập huấn với sự tham gia của 480 cán bộ, giáo viên các trường THPT và TTGDTX…
Ngoài ra, phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước, các công ty du học, các trường nghề có uy tín thực hiện tốt việc phân luồng, chọn ngành nghề cho phù hợp. Với những em đi học nghề phải có sự cam kết giữa 4 bên: Cá nhân - gia đình - nhà trường và doanh nghiệp.
Nghệ An hiện có 64 cơ sở dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở công lập và 26 cơ sở ngoài công lập. Bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo trên 40.000 lao động có kỹ thuật. Mặc dù công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Tâm lý thích làm thầy, không thích làm thợ trong một bộ phận nhân dân còn nặng nề, cản trở việc hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh; chất lượng đào tạo nghề ở một số trường còn bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, trong khi đó thị trường doanh nghiệp chưa phát triển theo nhu cầu đào tạo.
Tại Hội nghị, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ rõ: Nguyên nhân chính là do phụ huynh chưa thấy được hiệu quả của việc đào tạo nghề. Một số trường, trung tâm dạy nghề chưa đủ năng lực thu hút học sinh. Hiệu quả đào tạo nghề và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường nghề.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục công tác tuyên truyền công tác đào tạo nghề trong trường THPT và TTGDTX; đồng thời, ngành giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể việc các trường dạy nghề tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; khuyến khích, ưu tiên các trường nghề có năng lực phối hợp với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, các trường THPT để tuyển sinh.
Phan Tuyết