Văn hóa - Giáo dục
Nhọc nhằn 'cõng' chữ lên non
(Congannghean.vn)-5 giờ sáng, sương mù dày đặc bao phủ cả bản làng khiến cảnh vật trước mặt như biến mất, chỉ cần đứng cách vài mét cũng đã không nhìn rõ mặt người. Cô giáo Nguyễn Thị Lưu tay cầm gậy, chân đi ủng bì bõm vượt qua những con dốc thẳng đứng, lầy lội. Với gần 20 năm cắm bản, gần như không có ngôi trường nào ở huyện Quế Phong mà cô chưa đặt chân tới, từ Cắm Muộn, Quang Phong, Quế Sơn… và năm nay là ngôi trường ở bản Pà Khốm.
Trường nằm cách trung tâm xã 5 km với những con dốc thẳng đứng, trơn trượt. Vào ngày mưa, cung đường này thật sự là nỗi ám ảnh với bất kỳ tay lái nào. Dù là ngày nắng hay ngày mưa thì cô giáo Lưu cũng phải gửi xe ở nhà dân phía dưới để đi bộ lên dốc. Từ đây, cô phải đi bộ hơn 2 km mới vào được trường.
Thầy giáo Lương Trung Thành và các em học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 2, điểm trường Pà Khốm |
Còn đối với các thầy, để đi xe máy qua được con đường này phải dùng xích quấn vào bánh xe, nhiều hôm mưa, bùn đặc quánh dính vào bánh xe, không đi nổi phải khiêng xe lên dốc.
Cho đến bây giờ, thầy Lương Trung Thành vẫn nhớ như in lần mình bị ngã trên đỉnh dốc. Đó là vào năm 2008, khi đó thầy công tác ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Đây là điểm trường có đường sá đi lại khó khăn bậc nhất Nghệ An nên cả trường không có giáo viên nữ. Vụ tai nạn khiến thầy bị gãy xương đùi, thế nhưng thầy vẫn cho rằng mình còn may mắn vì không bị rơi xuống vực. Sau tai nạn đó, thầy được Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong tạo điều kiện chuyển về dạy ở Trường Tiểu học Tri Lễ 2.
Thầy Thành là một người con của bản làng, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, thầy trở về công tác tại quê hương để mang con chữ đến cho các thế hệ học sinh với mong muốn thay đổi cuộc sống các em sau này. Hành trang mà các thầy cô mang theo đến lớp không chỉ là đôi ủng, cây gậy mà còn là tấm lòng, sự nhiệt huyết. Nhiều năm qua, họ đã chẳng quản ngại gian khó, nề hà vất vả, ngày ngày bám trường, bám lớp, gieo chữ cho những đứa trẻ vùng biên.
Pà Khốm là một bản nghèo, chưa có điện lưới, sóng điện thoại phập phù, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn lắm vất vả, khó khăn, thế nhưng bà con đã ý thức được việc học nên cũng tạo điều kiện cho con em đến trường.
Trường Tiểu học Tri Lễ 2 nằm cheo leo bên sườn núi, ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Gọi là trường nhưng đó là những căn lều xiêu vẹo được dựng bằng các tấm gỗ ghép lại, ở giữa là những khe hở rộng, không đủ che mưa, che nắng. Mùa này, sương mù tràn vào lớp học ướt đẫm bàn ghế, sách vở, có những hôm trời mưa, cả thầy và trò ướt nhẹp phải nghỉ học.
Điểm trường Pà Khốm có 5 lớp học với 65 học sinh đều là người dân tộc Mông. Trường có 5 giáo viên, trong đó có 2 cô giáo. Nơi đây chưa có điện nên đêm đêm, bên ánh đèn dầu le lắt hay chiếc đèn pin tự chế được treo trên trán, các thầy cô lại say sưa bên trang giáo án. Từng con chữ cứ thế hiện ra, chứa đựng ước mơ, niềm tin của các thầy, cô giáo về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với học sinh. 2 căn nhà lụp xụp phía sau lớp học là nơi ở của các thầy, cô giáo. Trong mỗi căn phòng có đầy đủ nồi niêu, thực phẩm khô như lạc, cá khô… được các thầy cô mang từ thị trấn vào rồi treo trên vách tường, để dùng cho những hôm thời tiết không thuận lợi không thể về nhà.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của thầy và trò điểm trường Pà Khốm, đầu năm học này, các nhà hảo tâm và Hội Khuyến học Việt Nam đã quyên góp, ủng hộ xây dựng trường học mới cho thầy và trò nơi đây.
Theo kế hoạch, các lớp học sẽ hoàn thành đúng dịp 20/11 như một lời tri ân tới các thầy cô giáo. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên việc xây dựng bị gián đoạn. Ngôi trường mới được dựng bằng những khung sắt kiên cố đang được gấp rút hoàn thiện. Mùa đông năm nay, các em sẽ chẳng còn lo mưa rét mỗi khi đến lớp và hành trình gieo chữ của các thầy, cô giáo cũng sẽ bớt gian nan, vất vả bởi dù là ngày nắng hay ngày mưa thì họ vẫn được đứng trên bục giảng truyền dạy tri thức, ươm ước mơ cho những mầm xanh của bản làng người Mông...
Huyền Thương