Văn hóa - Giáo dục

Người nặng lòng với văn hóa đọc quê hương

10:23, 14/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Tân, ngày đó người dân quê ông phải chạy lo từng bữa nhưng vẫn không đủ ăn, bởi thế mà ông và đám bạn cùng trang lứa chẳng được học hành nhiều. Mặc dù cuộc sống giờ đây đã khấm khá hơn trước nhưng bà con vẫn cần cù, chịu khó bám lấy ruộng đồng; đám trẻ con được cắp sách đến trường nhưng điều kiện học tập vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Điều đó đã khiến ông - một người con xa quê luôn trăn trở và muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương, chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ nghèo hiếu học.

Thư viện Cây Tùng được Đại tá Quân đội Nguyễn Thanh Tùng sáng lập từ đó nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách, tiếp cận và mở mang kiến thức của người dân. Đã hơn 12 năm kể từ ngày Thư viện Cây Tùng thành lập, đều đặn hàng năm ông vẫn chu cấp tiền để mua sắm các trang thiết bị, nguồn tài liệu, đặt sách báo cho thư viện. Dù đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông vẫn luôn đau đáu về quê hương.

Thư viện Cây Tùng được ông Nguyễn Thanh Tùng thành lập và duy trì hoạt động hơn 12 năm nay để phục vụ người dân trong xã
Thư viện Cây Tùng được ông Nguyễn Thanh Tùng thành lập và duy trì hoạt động hơn 12 năm nay để phục vụ người dân trong xã

Trong một lần ra Hà Nội, tôi tìm gặp ông Nguyễn Thanh Tùng - một người con đã xa quê từ rất lâu nhưng luôn nặng lòng với quê hương xứ sở. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 90 nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn, tinh anh. Ông Tùng tham gia cách mạng khi vừa tròn 17 tuổi, từng kinh qua nhiều trận địa, đi khắp các chiến trường trong Nam ngoài Bắc, giờ đây đã ở tuổi gần “đất xa trời”, hơi sức ngày một yếu đi nhưng ông vẫn dành sự quan tâm cho thư viện.

Từ những dự định, ấp ủ làm một việc có ích cho quê hương, năm 2004, sau khi được xã cấp đất, ông Tùng đã bỏ tiền túi xây dựng thư viện với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Thư viện được xây dựng ở xóm 7, xã Hưng Tân trong niềm hân hoan của chính quyền địa phương, bà con và được đặt tên là “Thư viện Cây Tùng” để ghi nhớ công ơn của người sáng lập. Từ đó, người dân có một nơi để đọc sách sau mỗi buổi đi làm đồng; trẻ nhỏ có chỗ vui chơi, học tập sau mỗi giờ tan học.

Để thư viện đi vào hoạt động, ông Tùng đã huy động gia đình, bạn bè, người thân quyên góp sách báo, tài liệu. Tất cả sách, trong đó có nhiều tài liệu quý được ông gom lại hơn 800 cuốn và đưa về thư viện phục vụ nhu cầu của bà con.

Ngoài ra, ông còn bỏ tiền để mua sắm máy vi tính và đặt báo hàng ngày. Hiện nay, ngoài hơn 2.500 đầu sách tại thư viện, ông Tùng còn đặt thêm các đầu báo để phục vụ người già và các em nhỏ như báo Người cao tuổi, Mực tím, Hoa học trò… Từ khi thành lập đến nay, thư viện thu hút rất đông người đến đọc sách. Mỗi buổi chiều đến, thư viện lại rộn rã tiếng cười nói của người già, trẻ nhỏ.

Những năm gần đây, để người dân thuận lợi trong việc đọc sách, UBND xã Hưng Tân đã chuyển thư viện về tại trung tâm xã để hoạt động và trả lại ngôi nhà trước đây cho ông Tùng. Tuy nhiên, ông không nhận và duy trì thư viện tại 2 địa điểm. Hiện nay, ngoài 2 địa điểm này còn có 5 tủ sách được đặt tại 5 xóm để phục vụ nhu cầu đọc sách của bà con.

Hàng năm, ông Tùng trích gần 8 triệu đồng để mua sắm tài liệu, đặt báo. Ở tuổi xế chiều, ông chẳng mong mỏi gì hơn ngoài việc đau đáu về quê hương với tâm nguyện hết sức giản dị: “Nếu tôi ra đi, điều tôi mong mỏi nhất là thư viện vẫn sống được. Dù bạn đọc có khi ít khi nhiều nhưng thư viện vẫn phải mở cửa. Tôi mong chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm sẽ ủng hộ xây dựng để thư viện Cây Tùng duy trì và tồn tại mãi mãi...”, ông Tùng chia sẻ. 

Huyền Thương

Các tin khác