Văn hóa - Giáo dục

Giáo viên hợp đồng chật vật vì lương

09:29, 09/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Kể từ lúc vào trường công tác đến nay cũng đã 14 năm nay, thế nhưng cô giáo Nguyễn Thị Tĩnh, Trường Tiểu học Hồ Tông Thốc, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành chưa một lần được tăng lương. Là giáo viên hợp đồng của huyện, cô Tĩnh được hưởng 85% mức lương hệ số 2,34 đối với giáo viên trình độ đại học. Suốt 14 năm, cô Tĩnh luôn đạt giáo viên dạy giỏi, được đánh giá là người có chuyên môn, tâm huyết với nghề nhưng mức lương thì vẫn không hề thay đổi. Thế nhưng, cô Tĩnh còn may mắn hơn các giáo viên hợp đồng khác của Trường vì được huyện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Mức lương ít ỏi, cuộc sống của những giáo viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn  (Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Cắm Muộn, huyện Quế Phong)
Mức lương ít ỏi, cuộc sống của những giáo viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Cắm Muộn, huyện Quế Phong)

Ngoài cô giáo Nguyễn Thị Tĩnh, hiện nay nhà trường còn có 7 giáo viên hợp đồng, trong đó 3 giáo viên hợp đồng huyện, 5 giáo viên hợp đồng trường. Lương của 5 giáo viên hợp đồng trường do ngân sách và kinh phí của nhà trường chi trả nên các cô phải tự đóng BHXH. Như vậy, trừ đi khoản BHXH, mỗi tháng thu nhập của 5 giáo viên hợp đồng trường chưa đến 1,2 triệu đồng. Đó là chưa kể trong suốt 3 tháng hè, những giáo viên này không có lương mà chỉ được nhận lương thực dạy.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An, đến đầu năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh còn 507 giáo viên hợp đồng huyện và 622 giáo viên hợp đồng trường, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Khoảng những năm 2010 trở về trước, do quy mô trường lớp lớn, học sinh đông; khi đó bậc giáo dục tiểu học lại thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và dạy các môn học tự chọn nên các cơ sở giáo dục đã ký thêm giáo viên hợp đồng.

Các giáo viên này giảng dạy như các giáo viên bình thường nhưng chế độ khác hầu như không được hưởng. Trong số đó có những giáo viên hợp đồng với huyện do ngân sách của huyện trực tiếp chi trả, được huyện đóng BHXH. Số giáo viên hợp đồng với trường do thỏa thuận giữa hai bên khi ký kết và họ phải tự đóng BHXH. Dù giáo viên hợp đồng trường hay hợp đồng huyện thì họ chỉ được hưởng 85% mức lương cơ bản đối với trình độ của mình và từ khi ký hợp đồng đến nay, mức lương vẫn giữa nguyên không thay đổi. Lương thấp, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt, cuộc sống của những giáo viên hợp đồng đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Thế nhưng họ vẫn bám trụ, vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Điều duy nhất giữ chân họ có lẽ chính là lòng yêu nghề.

Còn nhớ cuối năm 2015, hơn 40 giáo viên Tiếng Anh ở Quỳnh Lưu làm đơn kêu cứu cơ quan chức năng khi họ đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng. Thời điểm nhận công tác là vào năm 2004, giáo viên ký hợp đồng với UBND huyện, thế nhưng trên thực tế do ngân sách của địa phương eo hẹp, nên trong suốt 11 năm họ chỉ được tính mức lương của giáo viên hợp đồng trường, tiền lương tính vào số tiết thực dạy và phải tự đóng BHXH. Hiện nay, địa phương này có gần 50 giáo viên hợp đồng huyện. Cũng giống như các giáo viên hợp đồng nơi khác, họ không được tăng lương theo định kỳ và hưởng các khoản phụ cấp khác theo quy định.

Rõ ràng việc chi trả lương dưới mức lương cơ bản, không được tăng lương theo định kỳ là trái với quy định của Luật Lao động. Hàng chục năm nay, nhiều giáo viên hợp đồng đã và đang sống mòn với mức lương như vậy, thế nhưng quyền lợi chính đáng của họ đang bị bỏ quên. Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đã có những động thái tích cực để có hướng xử lý vấn đề này. Bước đầu, Sở đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với UBND huyện rà soát đội ngũ giáo viên hợp đồng. Việc mở rộng quy mô trường lớp trước đây khiến các nhà trường tuyển dụng ồ ạt dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên, ở một số địa phương tuyển dụng sai quy định.

Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện chi trả lương giáo viên hợp đồng bậc tiểu học theo Quyết định 1517/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch dạy 2 buổi/ngày, bán trú tại các trường tiểu học. Các trường phải sử dụng nguồn thu từ dạy thêm buổi thứ 2 để chủ động trả lương cho giáo viên. Để giải quyết “bài toán” dôi dư giáo viên, chủ trương của Sở là xem xét ưu tiên đối với những giáo viên hợp đồng lâu năm, chưa được biên chế sang dạy bậc mầm non để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học này.

Điều kiện bắt buộc là số giáo viên này phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn bậc mầm non quy định. Đến thời điểm này, một số địa phương đã thực hiện, như ở huyện Yên Thành, đầu năm học 2016 - 2017 đã vận động chuyển 75 giáo viên sang dạy mầm non. UBND huyện cũng đã chấm dứt hợp đồng đối với 51 giáo viên tuyển dụng trái quy định trong năm học 2015 - 2016. Cũng trong một cuộc họp báo đầu năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay Sở vẫn còn gần 300 chỉ tiêu giáo viên bậc THPT và Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, chủ trương của Sở là không tuyển vì dự báo trong những năm tới, quy mô mạng lưới của trường THPT sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.

Anh Quân

Các tin khác