Văn hóa - Giáo dục

'Sao Mai' Phạm Phương Thảo

Đau đáu nỗi niềm trong từng sáng tác

08:10, 04/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thành công với thể loại âm nhạc dân gian, giọng ca được yêu thích nhất Sao Mai 2003, Phạm Phương Thảo đã ghi dấu ấn với khán giả bằng giọng ca mượt mà, sâu lắng nhưng cũng đầy cá tính. Thời gian gần đây, Phạm Phương Thảo bắt tay vào việc sáng tác. Với cô, sáng tác vừa là cách giúp cô chuyển tải tình cảm, nỗi lòng, cảm xúc của mình, vừa là cách để mình không bị lẫn với những ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này.

Ca sĩ Phạm Phương Thảo
Ca sĩ Phạm Phương Thảo

Sinh ra ở TP Vinh, mảnh đất miền Trung nắng và gió nhưng sâu nặng nghĩa tình, có lẽ vì thế mà trong tiếng hát của Phạm Phương Thảo, người nghe như cảm nhận cái chân tình mộc mạc, sâu lắng. Trong mỗi tác phẩm, người nghe như thấy cả tình đất, hồn quê mà ca sĩ muốn gửi gắm. Đó cũng chính là khơi nguồn cảm hứng để Phạm Phương Thảo bắt tay vào sáng tác âm nhạc, những ca khúc thuộc dòng nhạc dân gian viết về quê hương, xứ sở, nỗi niềm của người con gái xứ Nghệ. Chất liệu giản dị trong từng ca khúc của cô đã được người yêu nhạc đón nhận tích cực.

Sớm thành công trong lĩnh vực nghệ thuật từ sau giải thưởng “Giọng ca được yêu thích nhất” Sao Mai 2003, Phạm Phương Thảo ghi dấu ấn tên tuổi của mình trên các sân khấu và giải thưởng lớn nhỏ toàn quốc, cô trở thành một trong những ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc dân gian.

4 năm trở lại đây, cô ca sĩ xứ Nghệ gây chú ý với làng âm nhạc với vai trò nhạc sĩ. Sáng tác đầu tay của cô có tên là “Gái Nghệ” ra đời năm 2012 đã lột tả được vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu nồng nàn, mãnh liệt nhưng rất đỗi dịu dàng, đằm thắm của người con gái xứ Nghệ. “Bởi em là gái Nghệ, gái Nghệ uống nước dòng Lam/ Hát câu ví dặm mà nên em/ Sắc như dao, mềm như lụa và thuỷ chung”.

Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Từ lâu, tôi ấp ủ mong muốn có một bài hát riêng về người con gái quê mình chịu thương chịu khó, luôn rõ ràng, rành mạch trong cuộc sống và tình yêu; ấp ủ là thế nhưng phải mất đến 3 năm ca khúc mới được ra đời”. Sau đó, lần lượt các ca khúc: “Cho em thôi chòng chành”; “Đất mẹ ngày trở về”, “Trăng sáng một mình” ra đời và được làng âm nhạc đánh giá cao, công chúng đón nhận tích cực.

Từ đầu năm đến nay, Phạm Phương Thảo đã cho ra đời các ca khúc viết về những người lính, người thanh niên xung phong như một sự tri ân đến công ơn của thế hệ những người đi trước. Ca khúc “Mười đóa sen thơm” được sáng tác một cách “thần tốc” khi ca sĩ được mời về hát trong ngày giỗ của 10 cô gái Ngã 3 Đồng Lộc. Ca khúc tái hiện hình ảnh chân thực, cao đẹp và ước mơ bình dị của những cô gái lứa tuổi mười tám đôi mươi.

Nếu như “Mười đóa sen thơm” được viết bởi giai điệu hào sảng, ca từ nhẹ nhàng thì ca khúc “Ru em nắm đất Truông Bồn” của Phạm Phương Thảo viết để tưởng nhớ 13 thanh niên xung phong của Truông Bồn huyền thoại có sự đau thương, mất mát. Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Trong lần được mời về hát tại lễ khánh thành Khu di tích Truông Bồn, tôi tự hỏi mình sáng tác cho các chị TNXP ở Đồng Lộc thì ở quê mình, các TNXP Truông Bồn thì sao, họ có “chạnh lòng” không. Điều đó đã thôi thúc tôi sáng tác ca khúc này”.

Với âm hưởng dân ca ví, giặm, từng câu, từng chữ gợi sự xúc động đến nhói lòng, đau đáu một nỗi niềm da diết: “Tôi hát điệu giận thương/ Lòng nghe tơ vương như em trở về, nao nao trời quê mình lộng gió mênh mang/ Ơi cô gái Truông Bồn trách chi mà đi biền biệt. Nắm đất này có phải là em, có phải là em cho tôi ôm vào lòng/ Ru em ru em ngủ giữa nắng trưa Truông Bồn”.

Tại đêm nghệ thuật “Truông Bồn - Bản hùng ca bất tử” do Báo Nhân dân và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, “Ru em nắm đất Truông Bồn” lần đầu tiên được ra mắt, biểu diễn ngay dưới chân tượng đài 13 TNXP Truông Bồn. Ca khúc được cất lên bằng cả tấm lòng của một người con, người em dành cho các anh, các chị, những người đã ngã xuống để làm nên một Truông Bồn huyện thoại như ngày hôm nay.

Anh Quân

Các tin khác