Văn hóa - Giáo dục
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường, đưa tỉnh nhà đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập.
Đầu tư trang thiết bị để phục vụ học tiếng Anh - Ảnh minh họa |
Nhiều thành tích…
Tính đến năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có trên 1.000 trường Tiểu học, THCS, THPT triển khai dạy học ngoại ngữ với số lượng trên 511.000 học sinh tham gia. Ngành giáo dục đã tổ chức bồi dưỡng, sát hạch cho hơn 2.000 giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu giáo viên đủ tiêu chuẩn để dạy học ngoại ngữ theo mục tiêu của Kế hoạch. Qua 5 năm thực hiện đề án, thành tích mũi nhọn đã đạt kết quả cao.
Từ năm 2011 đến nay, Đội tuyển học sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh 100% đạt giải, trong đó phần lớn đạt từ giải Ba trở lên. Số lượng học sinh Nghệ An tham gia vào các cuộc thi “Olympic tiếng Anh trên internet (IOE)” và “Olympic Tài năng tiếng Anh (OTE)” cấp quốc gia ngày càng đông; các năm đều nằm trong các tỉnh đứng đầu toàn quốc và khu vực miền Trung về số lượng học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi này. Mặc dù là tỉnh có đến 10/20 huyện miền núi nhưng hết năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh được trang bị 432 phòng học tiếng Anh tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch, tạo điều kiện để thực hiện công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ. Đến thời điểm tháng 10/2016, toàn tỉnh đã có 39 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh, Trung, Nhật) được thành lập và đi vào hoạt động.
… nhưng còn nhiều bất cập
Mặc dù đạt được kết quả nhất định nhưng việc dạy và học ngoại ngữ trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Việc triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án ngoại ngữ 2020 vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc chỉ đạo của Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 còn lúng túng, thiếu nhất quán.
Cụ thể, đến nay đã có 358/543 trường tiểu học, đạt tỉ lệ gần 66% trường được học chương trình tiếng Anh 10 năm. Tuy nhiên, với các cấp học tiếp theo là THCS và THPT thì tỉ lệ phủ chương trình tiếng Anh 10 năm của Đề án ngoại ngữ 2020 quá khiêm tốn. Cả tỉnh mới chỉ có 83/409 trường THCS, đạt tỉ lệ hơn 20%, 3/89 trường THPT, đạt tỉ lệ hơn 3% dạy chương trình tiếng Anh 10 năm. Những kết quả ít ỏi này cũng chủ yếu thuộc về các trường học thành phố và vùng trung tâm các huyện, thị.
Với các vùng miền núi thì gặp nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên, mạng lưới trường lớp không hợp lý do có nhiều điểm trường, không bố trí được giáo viên tại các điểm trường lẻ. Đặc biệt là chất lượng giáo dục và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh vùng dân tộc thiểu số còn thấp. Ngoài ra, công tác tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa kịp thời...
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020” được tổ chức vừa qua, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ; hoàn thiện xây dựng kế hoạch dạy học ngoại ngữ trong giai đoạn tới; tham mưu kịp thời cân đối đủ giáo viên dạy ngoại ngữ cho các cơ sở giáo dục; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực của giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo, cử giáo viên đi tập huấn ở trong và ngoài nước; tiếp tục bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng các phòng học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các trường phổ thông.
Phan Tuyết