Văn hóa - Giáo dục
Thầm lặng… đưa đò
(Congannghean.vn)-Trong cuộc đời mình, ai cũng có những người thầy, cô đáng kính, những người đã dành trọn tâm huyết để truyền thụ kiến thức, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò. Họ, những người “đưa đò” thầm lặng dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi hay đồng bằng, dù dạy học trong môi trường đặc biệt nào thì vẫn đến với học trò bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao.
Giờ học của cô và trò Trung tâm Giáo dục, dạy nghề khuyết tật Nghệ An |
Khi viết về nhà giáo, một nhà văn đã nói rằng, nghề giáo gắn liền với ngọn đèn và trang giáo án. Năm tháng có trôi đi thì ngọn đèn vẫn tỏa rạng và giáo án luôn xanh ngời. Trong một chuyến công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, hình ảnh những người thầy đêm đêm thắp đèn dầu ngồi soạn bài cứ ám ảnh tôi mãi.
Do địa hình đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở nên đây là ngôi trường duy nhất của cả nước với 100% giáo viên nam gồm 44 thầy giáo. Đêm đến, khi bản làng chìm sâu vào giấc ngủ, các thầy giáo lại thắp đèn dầu hoặc dùng đèn pin cá nhân để soạn bài.
Với hơn 15 năm cắm bản, thầy giáo trẻ Nguyễn Hồng Hiệp được nhà trường tạo điều kiện chuyển công tác nhưng thầy đã tình nguyện xin ở lại đây dạy dỗ học sinh và sẻ chia với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào.
Còn thầy Lô Văn Lan là người thầy đáng kính của bà con Huồi Máy, điểm trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong. Ngày dạy học, đêm đến thầy lại cầm đèn pin men theo khe suối đến nhà những học sinh học chưa tốt để chỉ bảo thêm. Bà con dân bản vẫn gọi thầy bằng cái tên trìu mến: “Bố Lan”. Thầy chính là người đã lặn lội vào rừng sâu vận động đồng bào Khơ Mú về dựng nhà ở bên bờ suối để con em của họ được đi học. Thấm thoắt đã 16 năm kể từ ngày thầy lên với Huồi Máy, cũng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng bà con dân bản vẫn kiên quyết giữ thầy lại không cho về xuôi.
Năm học mới 2016 - 2017 vừa mới bắt đầu nhưng những cơn lũ quét đã đổ bộ, tàn phá trường học. 5 giờ sáng, khi cơn lũ tràn về, các thầy giáo ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã lặn lội ra các con suối để túc trực, canh gác không cho học sinh đi qua đề phòng tai nạn nguy hiểm. Không có thiên tai, không có bão lũ thì những người thầy nơi đây cũng đã đủ gian nan. Trước khi vào năm học mới, để con em trong bản đi học đầy đủ, họ đã lặn lội vào rừng sâu, trèo đèo, lội suối để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường.
Nếu có dịp lên xã Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn, chắc chắn mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự sáng tạo, chịu khó của người đứng đầu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ. Để cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú, thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng nhà trường đã mạnh dạn xin mảnh đất bên suối để khai hoang trồng trọt, chăn nuôi lợn. Không phụ công sức của thầy, mảnh đất hoang hóa ấy giờ đây đã trở thành một trang trại trù phú, bữa cơm của học trò bán trú đã được cải thiện, đầy đủ dinh dưỡng. Nếu như không có tấm lòng thương yêu học trò thì không phải ai cũng làm được như thế.
So với miền núi, điều kiện công tác của các thầy cô ở miền xuôi có nhiều thuận lợi hơn. Song không phải ai cũng may mắn được dạy học trong môi trường đó. Với những người thầy của học trò khuyết tật thì công việc dạy học không đơn thuần là giảng bài. Ở đó, thầy không truyền đạt cho học trò bằng lời nói mà bằng thủ ngữ, điệu bộ. Và trên tất cả đó chính là ngôn ngữ của tình yêu thương, lòng nhẫn nại và sự hy sinh thầm lặng. Nếu như không có những điều đó thì thật khó để những thầy, cô giáo ở Trung tâm Giáo dục, dạy nghề khuyết tật Nghệ An hay các lớp học tự kỷ của Trung tâm Bảo trợ trẻ em… gắn bó với những học trò đặc biệt này.
Khi bài viết này lên trang, thầy Nguyễn Hồng Hiệp, thầy Lô Văn Lan và 2 nhà giáo vùng cao nữa đang trên đường ra Hà Nội để tham dự chương trình “Tri ân thầy cô” của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp vào tối 18/11. Dịp này, cả nước có 153 cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu được tôn vinh. Họ là những bông hoa đẹp đại diện cho hàng nghìn nhà giáo xứ Nghệ đang miệt mài cống hiến cho “sự nghiệp trồng người”.
Huyền Thương