Văn hóa - Giáo dục

Cô giáo trẻ 'tiếp lửa' đam mê môn Lịch sử

09:45, 27/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Vượt qua hàng trăm nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm, cô giáo trẻ Võ Thị Hạnh, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THCS năm 2016. Trẻ trung, sôi nổi và tràn đầy năng lượng là những ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với cô giáo trẻ. Sinh năm 1988, trong kỳ thi giáo viên giỏi năm nay, cô giáo Hạnh được đánh giá là một ẩn số đầy bất ngờ.

Cô giáo Võ Thị Hạnh tại lễ trao giải cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 2016
Cô giáo Võ Thị Hạnh tại lễ trao giải cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 2016

Đến với nghề giáo bằng tình yêu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Hạnh luôn tâm niệm “nghề giáo là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”, vì vậy Hạnh luôn ao ước được trở thành cô giáo để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Môn Lịch sử đối với Hạnh đó không chỉ là niềm đam mê và còn là trách nhiệm của một người trẻ đối với lịch sử dân tộc, với thế hệ cha anh đi trước.

Là cựu học sinh lớp chuyên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khóa K32, với thành tích giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, Hạnh được tuyển thẳng vào đại học và cô đã lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Những năm tháng học tập dưới mái trường sư phạm càng làm cho Hạnh thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Tình yêu với môn Lịch sử của cô sinh viên được bồi đắp, để rồi khi tốt nghiệp đại học là tấm bằng loại Giỏi, Hạnh trở thành giáo viên Lịch sử của Trường THCS Hưng Dũng.

Cô học trò năm nào giờ đây đã trở thành đồng nghiệp của các thầy, cô giáo, đó vừa là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng là một áp lực không nhỏ đối với những giáo viên trẻ mới vào nghề. Thế nhưng bằng năng lực bản thân, cộng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự tin tưởng của các em học sinh, cô giáo Hạnh ngày càng vững vàng hơn trong nghề.

Nếu như được theo dõi một giờ lên lớp của cô giáo Hạnh, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi không khí trong lớp học, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Không đè nặng vào kiến thức qua những con số bắt học sinh phải nhớ nhiều, học tủ, cô giáo Hạnh luôn đổi mới phương pháp dạy, cách thức tổ chức lớp học để học sinh làm trung tâm và thiết kế những hoạt động để các em có thể tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức.

Cô Võ Thị Hạnh chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, tôi luôn cố gắng đổi mới phương pháp, tạo không khí tranh luận sôi nổi bằng các trò chơi như Nhận diện lịch sử, Ô chữ lịch sử, Ai nhanh hơn... Khuyến khích học sinh thảo luận nhóm, cặp đôi, cá nhân - cả lớp kết hợp giữa các trò chơi cùng với sử dụng các tài liệu, tư liệu lịch sử bằng tranh, ảnh, video làm cho tiết học trở nên hấp dẫn, giúp học sinh hăng say hơn với bài học”.

Cùng là những kiến thức ấy nhưng chỉ một chút thay đổi trong cách truyền đạt, cách tiếp cận vấn đề, cô giáo Hạnh đã làm cho học sinh có hứng thú trong mỗi tiết học Lịch sử. Với cô, được nhìn thấy các em say sưa tìm hiểu và thảo luận bài học là một hạnh phúc.

Nhờ phương pháp đổi mới, sự linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên và học sinh trong tổ chức hoạt động học tập đã giúp cho các tiết học của cô giáo Hạnh thành công, có tính lôi cuốn sự chú ý, tìm tòi của học sinh chứ không khô khan, cứng nhắc như những kiến thức trong sách giáo khoa. Cũng nhờ vậy mà cô giáo Hạnh được ban giám hiệu đánh giá cao về năng lực chuyên môn với tay nghề vững vàng, hết lòng chăm lo cho học trò và được đồng nghiệp yêu mến, phụ huynh và học sinh tin tưởng.

“Khi học sinh không còn mặn mà với mô Lịch sử thì bản thân giáo viên phải tìm cách để kéo học sinh lại. Môn Lịch sử hay bất kỳ môn học nào khác cũng cần phải đổi mới và trong quá trình đó sẽ gặp nhiều khó khăn bởi chính giáo viên phải thay đổi cách tư duy, phương pháp dạy và cách thức tổ chức lớp học. Tuy nhiên, sự đổi mới cũng phải có sự chọn lọc phù hợp, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, kế thừa những giá trị trước đây để phát triển nó lên một tầm cao hơn”, cô giáo Hạnh chia sẻ thêm.

Với quan điểm đó, bản thân cô giáo Hạnh luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước, tự tìm tòi, nghiên cứu thêm các tài liệu và lắng nghe từ chính các em học sinh. Mong muốn của cô đó là làm cho học sinh yêu thích Lịch sử, tự tìm đến Lịch sử bằng sự hiếu kỳ, đam mê của mình chứ không phải là những kiến thức mà giáo viên nhồi nhét. Bởi thế trong khả năng, tâm huyết của mình, cô giáo Hạnh luôn cố gắng “truyền lửa” cho các em học sinh, để các thế hệ học trò biết yêu thêm quê hương đất nước và ý thức tự hào dân tộc, hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của môn Lịch sử. Một khi học sinh đã yêu thích, say mê thì bản thân các em sẽ biết ơn thế hệ cha anh đi trước - những người đã làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Từ đó sống có ích, sống có trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

Huyền Thương

Các tin khác