Văn hóa - Giáo dục
Tạo cơ hội đến trường cho học sinh vùng cao
(Congannghean.vn)-Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2019 và mở ra cơ hội đến trường cho học sinh vùng khó khăn. Tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo, tỉnh đã họp góp ý và hoàn thiện dự thảo trình Hội đồng nhân dân thông qua trong kỳ họp tới để sớm triển khai thực hiện.
Các tổ chức tình nguyện nấu cơm trưa cho học sinh vùng cao huyện Kỳ Sơn |
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, hỗ trợ học sinh vùng cao, con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cụ thể là đã có nhiều quyết định được ban hành quy định về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc, bán trú; hỗ trợ gạo cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Những chính sách này đã giúp học sinh nghèo, học sinh ở vùng kinh tế khó khăn có thêm điều kiện đến trường, an tâm học tập, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.
Nghị định 116 tích hợp các chính sách hỗ trợ học sinh miền núi trước đó và bổ sung một số nội dung mới quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nghị định được ban hành càng thể hiện rõ hơn sự quan tâm dành cho giáo dục vùng cao, mở ra cơ hội đến trường cho học sinh vùng khó khăn, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn.
Để sớm triển khai thực hiện Nghị định 116, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định này. Về cơ bản, các đại biểu đều đồng tình và thống nhất cao dự thảo Nghị định 116 và tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề đối tượng thụ hưởng, kinh phí phục vụ nấu ăn bán trú cho học sinh, khoảng cách, địa bàn học sinh đi học không thể trở về trong ngày. Là địa phương có nhiều huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tỉ lệ học sinh bỏ học hàng năm vẫn ở mức khá cao, vì vậy việc sớm triển khai Nghị định có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương.
Đơn cử như bước vào năm học 2016 - 2017 đã có hơn 500 học sinh bỏ học, trong đó có hơn 150 em là người DTTS. Nguyên nhân là do điều kiện khó khăn, đi học xa nhà… Căn cứ Nghị định 116, đối tượng thụ hưởng chính sách này sẽ được bổ sung. Nếu như trước đây, học sinh học tại trường phổ thông bán trú nhưng không phải là học sinh bán trú thì chỉ được hỗ trợ gạo, không được hỗ trợ tiền ăn. Ngược lại, học sinh THPT người Kinh được hỗ trợ tiền ăn, ở nhưng không được hỗ trợ gạo.
Đối tượng cư trú tại xã khu vực III nhưng do đặc điểm địa bàn cư trú gần khu vực II thì học tại khu vực II không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, đối tượng này rất cần sự hỗ trợ để có điều kiện đi học đầy đủ. Nghị định 116 đã bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng, như vậy, học sinh có hộ khẩu ở xã khu vực III đang học tại các trường thuộc khu vực II vùng dân tộc, miền núi có nhà ở cách xa trường, điều kiện đi lại khó khăn sẽ được hưởng hỗ trợ.
Trên thực tế, nhiều trường học mặc dù không nằm trong diện được hưởng các chính sách hỗ trợ dành cho trường bán trú nhưng vẫn tổ chức nấu ăn phục vụ học sinh, vì vậy kinh phí tổ chức nấu ăn rất eo hẹp. Nghị định 116 đã điều chỉnh, thay đổi bổ sung các trường được hỗ trợ khi tổ chức nấu ăn cho học sinh. Theo đó, các trường được hỗ trợ các khoản kinh phí đầu tư giống như trường bán trú tùy thuộc vào ngân sách địa phương và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia.
So với các quy định trước đây, thủ tục hồ sơ thực hiện chính sách cũng đã được rút gọn, giảm tải các thủ tục hành chính để phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào DTTS, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn cho người dân.
Thương Huyền (tổng hợp)