Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)

Âm vang lời hịch cứu nước

20:37, 18/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”,  khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nhà nước non trẻ vừa mới ra đời, thực dân Pháp lại muốn chiếm nước ta một lần nữa. Vận mệnh của dân tộc rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng quyết tâm cùng cả dân tộc giữ vững nền độc lập vừa giành được.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Ngày 19/12/1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, TX Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 20/12/1946, Người đến Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đặt tại chùa Trầm (Hà Tây) gửi tới đồng bào, chiến sỹ cả nước lời hiệu triệu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Lời hiệu triệu đã làm sống lại khí phách quật cường, ý chí chống ngoại xâm để giành độc lập, tự do của dân tộc ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước, là sự tiếp nối khí phách hào hùng của bản “Tuyên ngôn độc lập”.

Đáp lời hịch vang dậy núi sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc, cứu nước. Người có súng dùng súng, người có gươm dùng gươm, người không có gươm, súng thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc lao vào cuộc kháng chiến với ý chí như “Hịch đánh Tây” của cha ông ta ngày trước: "Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tre làm binh khí, nhất định không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước"; với niềm tin sắt đá, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!".

Thu đông năm 1947, thực dân Pháp âm mưu kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược "chớp nhoáng". Chúng đưa số quân viễn chinh lên 12,5 vạn tên và huy động hơn 2 vạn lính tinh nhuệ nhất để thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và đại bộ phận quân chủ lực của ta.

Hưởng ứng Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: "Đập tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp", cả nước hướng về căn cứ địa Việt Bắc, nổ súng phối hợp: Các đồn bốt, kho tàng địch ở Sài Gòn, Tây Ninh, Mỹ Tho, Biên Hòa, Tân An bị tập kích; Tây Nguyên đánh mạnh, lập nhiều căn cứ ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam; Quảng Ngãi, Bình Định tiến công địch đi càn. Ở đồng bằng Bắc Bộ, phong trào tổng phá tề lên mạnh dọc hai bên đường số 5. Ở căn cứ địa Việt Bắc, 3.000 giặc Pháp phải bỏ xác, hơn 3.000 tên bị thương, 270 tên bị bắt. Việt Bắc thật sự là mồ chôn giặc Pháp.

Cả nước hưởng ứng Quyết định của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 6/1950), mở Chiến dịch Biên giới nhằm mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng một phần biên giới. Trung tuần tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận để lãnh đạo chiến dịch - các chiến trường phối hợp: Ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ đẩy mạnh diệt địch, phá tề. Thu đông năm 1950, ta diệt và bắt sống hơn 4.500 tên dịch, trong đó có 3 tên quan năm. Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã đưa tin: Đó là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Pháp.

9 năm kháng chiến đầy anh dũng và hy sinh được kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, càng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc đối phương phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Theo đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Cả dân tộc lại tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là khát vọng của cả dân tộc.

Giờ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong quá trình hội nhập vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Nguyễn Minh Châu

Các tin khác