Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201612/ky-niem-70-nam-ngay-toan-quoc-khang-chien-19-12-1946-19-12-2016-giu-dung-loi-bac-tren-tuong-dai-cam-tu-quan-714402/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201612/ky-niem-70-nam-ngay-toan-quoc-khang-chien-19-12-1946-19-12-2016-giu-dung-loi-bac-tren-tuong-dai-cam-tu-quan-714402/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giữ đúng lời Bác trên tượng đài cảm tử quân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 17/12/2016, 15:04 [GMT+7]
Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016):

Giữ đúng lời Bác trên tượng đài cảm tử quân

Trong cái rét buốt của buổi chiều ngày 15-12-2016, tôi định đến thăm bà Nguyễn Thị Bích Thuận, một nhân chứng lịch sử trong những ngày đầu ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng qua điện thoại, bà bảo: “Tôi đang sửa soạn đến tham gia cầu truyền hình Sống mãi với Thủ đô tổ chức lúc 8 giờ tối nay tại khu vực Cột cờ Hà Nội nên bận quá!”.

Vậy là bà cháu đành trò chuyện qua điện thoại. Giọng bà Thuận sang sảng, trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Khi tôi nói vui: bà sướng thế, ngoài tuổi 90 mấy ai sức khỏe được như vậy, bà cười rổn rảng: “Tôi 95 rồi, nhà báo Công an ạ!”…

Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân.
Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân.

Trở lại thời điểm cuối tháng 12-1946, trước thái độ hung hăng và những hành động cướp nước của thực dân Pháp, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, quân và dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu trong vòng vây hơn 60 ngày đêm, bảo vệ từng con đường, góc phố, từng ngôi nhà. Quân Pháp đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt và chịu thiệt hại nặng nề... Xúc động trước tinh thần chiến đấu và sự hi sinh to lớn của quân dân Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã viết thư, ân cần động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Người nhấn mạnh: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh... Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em”...

Hơn 60 ngày đêm “sống chết với Thủ đô”, những người con ưu tú của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm đã viết nên bản hùng ca tinh thần yêu nước trong thời đại mới, và họ được mang cái phiên hiệu thân thương “Trung đoàn Thủ đô”. Sau này, để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, TP Hà Nội đã xây dựng tượng đài Cảm Tử Quân tại đền Bà Kiệu (bên Hồ Gươm) với dòng chữ đắp nổi “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Thời gian trôi qua, giữa cuộc sống bận bịu, ít ai để ý đến sự khác biệt giữa câu văn trong bức thư Hồ Chủ tịch gửi Trung đoàn Thủ đô với dòng chữ trên tượng đài Cảm Tử Quân; trừ một người, là bà Nguyễn Thị Bích Thuận (nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an, thời kì đầu kháng chiến làm công tác Cơ yếu; phu nhân đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội).

Trong một lần đến thăm bà Thuận, tôi đã được nghe kể lại ngọn nguồn sự việc và hành trình của bà Thuận đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương và Hà Nội trả lại nguyên bản lời thề của Trung đoàn Thủ đô. Bà Thuận hồi tưởng: “Đầu tháng 1-1947, anh Hoàn (đồng chí Trần Quốc Hoàn, phụ trách mặt trận Hà Nội, sau này là Bộ trưởng Bộ Công an) giao tận tay tôi một bức điện để mã hóa. Từng câu, từng chữ của bức điện đều toát lên hào khí “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”...

Tôi cố trấn tĩnh ghìm nén sự xúc động, không để nước mắt trào ra và tránh mã nhầm câu chữ thiêng liêng của Bác. Tôi không thể quên được lời Bác trong bức điện: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ít hôm sau, tôi lại dịch bức điện của Trung đoàn Thủ đô gửi Hồ Chủ tịch và Trung ương, do anh Lê Trung Toản ký; trong đó ghi rõ lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ. Bức điện lịch sử này, ngoài người viết và người kí điện thì chỉ có anh Trần Quốc Hoàn và tôi biết rõ. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì, trong nhiều năm sau đó, lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” lại có một dị bản là “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Năm 1995, bà Thuận đã viết thư gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng nêu vấn đề trên và đề nghị sửa lại cho đúng với lịch sử... Các đồng chí đều có ý kiến trả lời, ghi nhận đề nghị của bà Thuận và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu. Trong một lần gặp đồng chí Lê Xuân Tùng (Bí thư Thành ủy Hà Nội), bà Thuận tiếp tục đề nghị cho sửa lời thề trên tượng đài Cảm Tử Quân ở đền Bà Kiệu.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận.

Đồng chí Lê Xuân Tùng hỏi lại: “Chị còn lưu giữ được bản gốc của bức điện không?”. Bà Thuận giải thích: “Nếu còn giữ được bức điện đó, thì tôi đã chẳng phải vất vả mấy năm nay”. Trong thực tế, ngành Cơ yếu có nguyên tắc rất chặt chẽ để quản lí, lưu giữ và hủy các bức điện mật.

Bà Thuận cho biết, sau khi mã hoặc dịch xong bức điện, bà đã giao lại đồng chí Trần Quốc Hoàn. Trong bối cảnh chiến tranh lan rộng, các cơ quan Trung ương phải di chuyển gấp lên Việt Bắc thì có lẽ, bức điện đã được tiêu hủy để bảo mật.

 Xuất phát từ đề nghị của bà Nguyễn Thị Bích Thuận, ngày 28-3-1997, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm xác minh tư liệu xung quanh cụm từ “cảm tử” hay “quyết tử” trong thư Hồ Chủ tịch gửi Trung đoàn Thủ đô (thực ra là bức điện mật).

Bà Thuận đã phân tích: Bác không dùng từ “cho” hoặc “để cho” – từ của người bề trên với người dưới. Bác dùng từ chuẩn xác, trọn nghĩa, dễ hiểu, dễ thấm, dễ đi vào lòng người. Lời Bác trong bức điện mật lại càng phải trọn ý, thận trọng để lệnh truyền được chấp hành triệt để, không bị hiểu theo nhiều nghĩa (đây cũng là một quy định khi sử dụng điện mật của ngành Cơ yếu). Là người trực tiếp mã bức điện lịch sử này, bà Thuận khẳng định lời Bác là “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Sự việc kéo dài đến giữa năm 2003, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm về ý tưởng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của tượng đài xây dựng chuẩn bị kỉ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-2004). Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, xác minh, Thành ủy Hà Nội và Bộ Văn hóa – Thông tin đã xác định: Lời Hồ Chủ tịch viết trong bức điện mật gửi cán bộ, chiến sĩ Liên khu I chiến đấu bảo vệ Hà Nội đầu năm 1947 là “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”...

Từ kết quả này, ngày 22-12-2004, tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã được khánh thành tại vườn hoa Vạn Xuân, với lời thề sắt son đó đắp nổi trên quốc kỳ.

.

Nguồn: Báo CAND

.