Văn hóa - Giáo dục
Bỏ điểm sàn có hạ thấp chất lượng giáo dục?
08:54, 21/12/2016 (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ điểm sàn chung sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam khi đang có nhiều vấn đề còn gây bàn cãi. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Quang Thế, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho rằng, nếu phân tích một cách thấu đáo thì không phải như vậy.
Việc bỏ điểm sàn chung có làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh không, thưa ông?
PGS.TS Phan Quang Thế: Thứ nhất, các trường đại học tốp trên và cận trên từ xưa đến nay vẫn đặt điểm sàn cao hơn của Bộ GD&ĐT thì hiển nhiên điểm sàn cũng vẫn cao hơn hẳn điểm tốt nghiệp THPT. Có một số trường thuộc tốp này cũng xét học bạ nhưng chỉ xét học bạ của những học sinh đã học ở các trường THPT có uy tín với chất lượng đã được khẳng định và phải là học sinh giỏi nhiều năm. Như vậy, chất lượng đầu vào đối với các trường đại học thuộc tốp này không có gì thay đổi.
PGS.TS Phan Quang Thế |
Thứ hai, trong năm 2016, các trường tốp trung bình và thấp ngoài tuyển theo điểm sàn của Bộ còn xét tuyển theo kết quả học tập và rèn luyện ghi trên học bạ THPT của học sinh, mà thực chất là cố tuyển những học sinh có kết quả học tập khá hơn trong số những học sinh tốt nghiệp phổ thông mà thôi. Quy chế 2017 chỉ khác ở chỗ điểm sàn là của trường, còn việc xét theo học bạ vẫn vậy. Điểm sàn cao hay thấp, xét tuyển từ loại thí sinh nào, nhiều hay ít… là do trường tự chủ và chịu trách nhiệm chứ không phải do Bộ quyết định.
Không còn điểm sàn chung của Bộ thì vẫn còn điểm sàn của trường, vì thế không làm thay đổi chất lượng tuyển sinh của tất cả các trường đại học.
Theo ông, đâu là mặt tích cực của việc bỏ điểm sàn chung?
PGS.TS Phan Quang Thế: Thứ nhất, việc này sẽ phân hóa tích cực các trường đại học trong cả nước do có một tiêu chí chung thống nhất là tuyển sinh lấy theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đối với những học sinh tốt nghiệp THPT. Cách làm mới này sẽ hạn chế được việc xét học bạ khi học sinh không đạt điểm sàn của trường, xã hội sẽ nhìn nhận rất dễ và rất rõ uy tín của các trường đại học trong cả nước thông qua điểm sàn tuyển sinh do các trường đại học tự quyết định.
Thứ hai, việc này giúp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học thuộc tốp trung bình và tốp dưới. Nếu điểm sàn tuyển sinh quá thấp thì xã hội rất dễ nhận biết, nên trường đại học thuộc tốp này không thể hạ thấp điểm sàn đến mức “khó coi” để “vơ bèo, vạt tép” được.
Thứ ba, việc sử dụng tiêu chí điểm sẽ loại trừ được những hiện tượng tiêu cực trong xét tuyển vào trường đại học theo học bạ, bảo đảm công bằng xã hội trong tuyển sinh vào các trường đại học đối với những thí sinh có học lực bình thường.
Một số ý kiến cho rằng không có điểm sàn, học sinh sẽ không cần học và các trường đại học sẽ “mở toang cửa” để tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên là không đúng bởi cách tính chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không thay đổi. Do chỉ tiêu tuyển sinh vào mỗi trường là có hạn nên nếu người học không thực sự cố gắng đạt kết quả cao nhất thì họ cũng không thể được vào được những trường đại học tốt, vào được những ngành học và chuyên ngành mà họ yêu thích.
Còn đâu là những hạn chế trong việc bỏ điểm sàn chung?
PGS.TS Phan Quang Thế: Có lẽ việc đặt điểm sàn thấp tùy tiện để tuyển đủ chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu kinh tế sẽ xảy ra đối với một số trường đại học tốp dưới.
Một số trường đại học khác sẽ lấy điểm sàn tương đối cao song song với việc xét học bạ đối với những học sinh có điểm tốt nghiệp THPT dưới điểm sàn, điều này sẽ làm xã hội rất dễ bị lầm tưởng về uy tín của các trường đó. Bởi vậy, kết quả tuyển sinh theo điểm sàn của trường cũng như số lượng, tỉ lệ phần trăm học sinh được xét tuyển theo phương án xét học bạ cần được công khai, minh bạch trước xã hội.
Chất lượng giáo dục đại học có bị ảnh hưởng khi bỏ điểm sàn chung không, thưa ông?
PGS.TS Phan Quang Thế: Chất lượng giáo dục đại học bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, trong đó chất lượng tuyển sinh đầu vào đóng vai trò quan trọng. Chọn được sinh viên giỏi vào trường, thầy cô không cần quá nỗ lực thì sinh viên vẫn học được, vẫn lập nghiệp được. Ngược lại, tuyển những sinh viên yếu kém vào trường mà muốn đào tạo họ thành những kỹ sư, cử nhân tốt thì không dễ một chút nào.
Tuy nhiên, điều này lại là mục tiêu của việc xây dựng một xã hội học tập suốt đời cho những gia đình ít có điều kiện về kinh tế vốn chiếm đa số ở nước ta. Người giỏi hôm nay, ngày mai chưa chắc đã giỏi và người bình thường hôm nay cũng không thể khẳng định là họ sẽ không phát huy được gì trong tương lai. Chất lượng của môi trường đào tạo họ mới là nhân tố quyết định, chất lượng đầu vào là điều kiện cần mà thôi.
Trước hết, Bộ vẫn phải nắm vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ; số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; tình trạng cơ sở vật chất của nhà trường... thông qua kết quả kiểm định trường đại học và kiểm định chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của quốc gia, tiến tới các tiêu chuẩn, tiêu chí của khu vực và quốc tế. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phải được khống chế theo kết quả kiểm định của các tổ chức kiểm định độc lập.
Sau đó, trường đại học phải thực hiện tốt yêu cầu về "3 công khai" của Bộ, đặc biệt là công khai tình trạng việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như phản hồi từ doanh nghiệp về chất lượng đào tạo. Làm sao rèn luyện được đội ngũ giảng viên thật tâm huyết với sự nghiệp trồng người, giỏi về đào tạo, ngoại ngữ và xây dựng được cơ sở vật chất của nhà trường khang trang hiện đại. Đây là trách nhiệm lớn nhất và cũng là khó nhất đối với các trường đại học khi triển khai nâng cao chất lượng đào tạo bên cạnh việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào không phụ thuộc điểm sàn chung.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Chinhphu.vn