Văn hóa - Giáo dục

Tổng kết năm học 2015 - 2016

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao

08:39, 24/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016, đồng chí Lê Minh Thông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những nỗ lực mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đạt được trong thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, trong đó ngành đã tập trung chăm lo cho công tác giáo dục ở vùng cao.

Nhiều dấu ấn

Năm học 2015 - 2016, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà đã có những bước phát triển vững chắc; trong đó đặc biệt chăm lo chất lượng giáo dục miền núi và dân tộc.

 Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa
Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa

Theo đó, Sở GD&ĐT đã tăng cường đầu tư và kêu gọi vận động đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở GD&ĐT. Năm học 2015 - 2016, toàn ngành đã đưa vào sử dụng 652 phòng học ở các cấp học và dành hơn 50 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học; triển khai chương trình xóa phòng học tạm cho các huyện vùng cao với kinh phí hơn 160 tỉ đồng.

Trong năm học vừa qua, đã xây dựng 30 trường phổ thông bán trú. Hiện nay, Sở đang tiếp tục đầu tư xây dựng 6 trường, mục tiêu đến năm 2020 là 42 trường. Ngành cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là chế độ hỗ trợ gạo, sách vở đã góp phần giúp các em khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập. Trong năm học vừa qua, UBND tỉnh đã cấp phát hơn 2.800 tấn gạo cho 2.854 học sinh bán trú các huyện miền núi theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm học 2015 - 2016, chất lượng giáo dục Nghệ An có nhiều tiến bộ theo hướng vững chắc và toàn diện, trong đó hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Tỉ lệ huy động trẻ đến trường ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo chiếm tỉ lệ cao; hệ thống trường mầm non được công nhận trường chuẩn quốc gia được củng cố với số lượng 296 trường.

Không chỉ riêng các trường mầm non, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được quan tâm. Trong năm học này, số lượng trường chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh là 956 trường, đạt tỉ lệ trên 62% tổng số trường mầm non và phổ thông công lập toàn tỉnh. Hệ thống trường chuẩn quốc gia đã phát huy tốt vai trò thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện.

Kết quả này một phần nhờ vào việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, vận động nhân dân ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất trường học. Một số đơn vị tiêu biểu như TP Vinh đã vận động được 32,4 tỉ đồng; huyện Diễn Châu 21,9 tỉ đồng; huyện Thanh Chương 19,8 tỉ đồng...

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT đổi mới phương pháp dạy và học, thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình tốt của dự án Vnen ở cấp tiểu học hiện có 290 trường thực hiện, cấp THCS với 26 trường triển khai thí điểm; mở rộng áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục ở 559 trường tiểu học và phổ thông cơ sở; nâng cao chất lượng hiệu quả dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020...

Kết quả, chất lượng mũi nhọn được giữ vững với hơn 2.000 học sinh giỏi cấp tỉnh, 106 học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ 3 toàn quốc; số học sinh đỗ đại học điểm cao, thủ khoa tiếp tục ổn định như các năm trước.

Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục năm qua là công tác phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề có bước tiến vượt bậc. Tỉ lệ học sinh lớp 12 đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp chiếm hơn 41%, cao hơn tỉ lệ chung cả nước 8% và cao hơn năm học trước 3%.

…Lắm khó khăn

Thời gian qua, công tác giáo dục ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta đã được quan tâm, chăm lo. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đã trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng giáo dục ở nơi đây, nhất là khi chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT không còn đã hạn chế nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất trong trường học.

Cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn, cách xa trung tâm khiến sự học của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa càng gian nan và khó khăn hơn bao giờ hết, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ngày càng cao.

Theo thống kê, số lượng học sinh bỏ học năm học 2015 - 2016 là 1.852 em, trong đó ở bậc THCS đã có hơn 1.000 em, chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết năm học 2015 - 2016, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại của ngành giáo dục tỉnh nhà, trong đó có tình trạng quá tải ở các trường mầm non. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường mầm non còn thiếu, một số địa phương vẫn còn phòng học tạm, học nhờ. Toàn tỉnh hiện đang quá tải hơn 21.000 trẻ.

Ngay TP Vinh hiện nay có tới 57 trường mầm non nhưng các trường công lập luôn trong tình trạng quá tải, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đến trường của trẻ, trong đó, hiện tại phường Lê Lợi và phường Hưng Phúc chưa có trường mầm non công lập; trong khi đó, các trường mầm non công lập trên địa bàn xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất cũng xuống cấp.

Ngoài ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn phê bình một số địa phương tuyển dụng giáo viên không đúng quy định, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động; đồng thời, yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tập thể tuyển dụng giáo viên sai quy định.

Cũng trong cuộc họp này, đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu làm rõ việc một số huyện miền núi lợi dụng việc điều động giáo viên biệt phái để hưởng chế độ như một số cơ quan báo chí phản ánh vừa qua.

Bước sang năm học mới 2016 - 2017, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục”; tập trung chỉ đạo hoạt động chuyên môn theo hướng đổi mới. Năm học tới, tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới trường hợp lý, trong đó chú trọng chăm lo chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Huyền Thương

Các tin khác