Văn hóa - Giáo dục

Ngày 19/8 trong hồi ức của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão

08:42, 19/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8-2016), ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, người may mắn có mặt tại quảng trường Nhà hát Lớn sáng 19/8/1945, đã có cuộc trò chuyện với báo chí về sự kiện lịch sử trọng đại này.

Cuộc đời ông đã gắn với vận mệnh dân tộc từ những ngày lập quốc. Mỗi dịp Thu đến, ông có cảm nhận gì, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Ngày 19/8/1945, tôi được cha đưa đến Nhà hát Lớn. Đó là một may mắn của cuộc đời. Tất nhiên, hồi đó, tôi mới chỉ là một đứa trẻ 6 tuổi, nghe cha nói rằng, ở đó có một sự kiện rất quan trọng. Trẻ con mà, tôi cứ đi trong sự háo hức mà không hề biết “sự kiện quan trọng” ấy là gì!

Khi đến nơi, cảnh tượng trước mắt khiến tôi vô cùng thích thú: Một không khí rất sôi nổi, hàng ngàn người tập trung hô vang khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, bài “Tiến quân ca” được đồng thanh hát lớn.

Sau này, kết hợp với quá trình tham gia cách mạng, đặc biệt là khoảng thời gian công tác ở Quốc hội và tham gia chỉ đạo viết lịch sử Quốc hội, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử của sự kiện Cách mạng tháng Tám thành công.

Kỷ niệm ngày 19/8 hằng năm là dịp để toàn thể dân tộc Việt Nam cùng ôn lại ký ức về một thời hào hùng của dân tộc.

Để có được thành công của Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã có thời kỳ tiền khởi nghĩa kéo dài rất nhiều năm. Các bậc tiền bối lỗi lạc (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…) đã hoạt động từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Khi có được “luồng gió” của cách mạng thế giới thì chúng ta đã tập hợp được những người trẻ để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chúng ta đã thành lập những tổ chức cách mạng tiền thân và đưa tới sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Ngày 16/8/1945, chúng ta đã tổ chức Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đó là tiền thân của Quốc hội, được coi là hội nghị Diên Hồng của thế kỷ 20 nhằm đưa ra những quyết định quan trọng tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa.

Ngày 19/8, cuộc biểu tình rầm rộ tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các địa phương trên cả nước. Đó là cuộc Cách mạng được kết hợp hài hòa bằng đấu tranh vũ trang cũng như đấu tranh chính trị khôn khéo. Những dấu ấn đó kết hợp lại tạo nên sức mạnh phi thường của Cách mạng Việt Nam.

Theo ông, điều gì đã làm nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám, đưa tới sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Ông Vũ Mão: Có thể nói, thành công của Cách mạng tháng Tám xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, hướng tới lý tưởng cao đẹp: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.”

Hình ảnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tạo cảm hứng, niềm tin cho biết bao con người Việt Nam thời bấy giờ.

Thứ hai, đó là vai trò của quần chúng. Khi quần chúng có niềm tin đi theo lý tưởng của Đảng, của Bác thì sức mạnh đó là vô biên. Nó đủ sức đập tan mọi âm mưu, kẻ thù ghê rợn nhất trong lịch sử loài người.

Thứ ba, đó là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Trong giai đoạn đó, Việt Nam ở vào tình thế vô cùng khó khăn, phức tạp, đương đầu với sự can thiệp của nhiều thế lực (cả trong lẫn ngoài nước).

“Tức nước vỡ bờ.” Khi bị áp bức đến cùng cực, người nông dân, công nhân và tất cả những người lao động, các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, các nhà tư sản dân tộc với một lòng yêu nước nồng nàn đã vùng lên.

Chúng ta có thể kể tới một số nhà tư sản đã ủng hộ khối lượng tài sản lớn cho cách mạng như: ông Trịnh Văn Bô (ủng hộ 5147 lạng vàng), ông  Nguyễn Hữu Tiệp (bố vợ của giáo sư Nguyễn Lân)…

Bên cạnh đó, khối đoàn kết toàn dân khi đó còn có các quan đại thần triều Nguyễn - những con người liêm chính, luôn mang nặng tấm lòng vì nước, vì dân. Khi lịch sử sang trang, họ đã theo cách mạng; những Việt kiều sống ở nước ngoài cũng gửi nhân lực, vật lực về ủng hộ cho Cách mạng trong nước.

Bác Hồ đã từng nói :“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.” Có ý kiến cho rằng,Cách mạng tháng Tám thành công chủ yếu là do thời cơ bên ngoài. Theo ông, điều đó có đúng không?

Ông Vũ Mão: Những điều kiện thuận lợi bên ngoài đã góp phần tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám. Điều đó đúng nhưng không phải là tất cả.

Những điều kiện bên trong và bên ngoài kết hợp với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo thế và lực cho cách mạng. Nếu không có chiến thắng của quân Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai buộc phát xít Nhật đầu hàng, Pháp tuy thắng cuộc nhưng bị suy yếu do chiến tranh cũng như sự toàn thắng của Hồng quân Liên Xô thì khó có thể tạo nên một “thời cơ chín muồi” cho Cách mạng nước ta.

Ở trong nước, do chính sách “Nhổ lúa trồng đay” của Nhật làm cho hai triệu người chết đói, khiến lòng dân sục sôi, quyết theo Việt minh làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập sau 80 năm lệ thuộc.

Tất cả các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài đã kết hợp với nhau, tạo nên thời cơ cho một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử.

Thành công của mùa Thu cách mạng 1945 có sự góp sức không hề nhỏ của đội ngũ thanh niên. Vậy, ông đánh giá thế nào về vai trò của thanh niên trong cách mạng tháng Tám?

Ông Vũ Mão: Năm 1945, nước ta có khoảng 5.000 Đảng viên, trong đó hầu hết đang ở độ tuổi thanh niên.

Đây là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Thế hệ thanh niên đã noi gương thế hệ đi trước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ, Bác Tôn… để hòa mình vào làn sóng cách mạng chung. Thanh niên Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Không chỉ là một chính trị gia, ông còn được biết đến là một nhà thơ, nhạc sĩ. Việc đi suốt một hành trình dài, hòa mình vào không khí cách mạng sục sôi đã tạo cảm hứng cho ông viết nên những tác phẩm nào về Bác Hồ, về mùa Thu cách mạng 1945, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi đã viết nhiều bài thơ, bản nhạc về Đảng, Bác Hồ và cách mạng tháng Tám từ chính những suy ngẫm của bản thân sau quá trình học tập, rèn luyện theo gương các bậc tiền bối và trưởng thành.

Một trong những sáng tác mà tôi thấy tâm đắc nhất là bài thơ ca ngợi tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề“Mở rộng vòng tay” (in trong cuốn “Dấu son nghị trường - Nhà xuất bản Thanh niên, 2015).

“Lời Bác thiêng liêng mãi khắc ghi/ Dặn dò con cháu… lúc ra đi/ Cuộc đời gian khó từng bươn chải/ Thấu hiểu nhân tình khúc tráng bi/ Khoan dung, đại xá người lầm lỡ/ Chuyện buồn quá khứ nhớ làm chi/ Vòng tay rộng mở, tâm cao thượng/ Dân tộc kết đoàn sáng sử thi.”

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác