Văn hóa - Giáo dục
Khẩu chiến xung quanh ảnh flycam
Tác phẩm“Gạo xuất khẩu”của Nguyễn Minh Tân và “Cầu Chữ Y”của Thái Tôn Hạo lần lượt đoạt giải nhất, nhì tại “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh” vừa diễn ra cuối tháng 6 như giọt nước tràn ly gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa về ảnh chụp bằng flycam (thiết bị bay có gắn camera). Người cho rằng ảnh flycam không phải ảnh nghệ thuật. Kẻ khăng khăng là phải.
Nhiều nghệ sĩ phản đối ảnh flycam tham gia cuộc thi vì cho rằng không công bằng với tác phẩm được chụp bằng máy ảnh cầm tay. Bởi ảnh flycam có lợi thế là góc máy ở trên cao mà máy ảnh chụp từ dưới đất không thể làm được.
Nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông thừa nhận nhờ chụp ở độ cao lý tưởng giúp ảnh flycam có góc nhìn lạ lẫm hơn, hút mắt người xem hơn, nhất là ảnh phong cảnh, quê hương. Hiểu rõ lợi thế này, nên không ngạc nhiên khi thời gian gần đây ảnh flycam xuất hiện ngày càng nhiều ở các cuộc thi nhiếp ảnh lớn nhỏ và liên tục ẵm giải cao. Sự ồ ạt đổ bộ vào cuộc thi chuyên nghiệp của nó khiến giới máy ảnh truyền thống không khỏi búc xúc.
Tác phẩm “Cầu Chữ Y” đoạt giải nhì tại “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh”. |
Trong buổi tọa đàm trước cuộc triển lãm các tác phẩm xuất sắc của Liên hoan, giới chuyên môn đã nổ ra tranh luận gay gắt. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Thịnh, Tam Thái, Đặng Mậu Hiệp, Nguyễn Vũ Phước... chỉ ra rằng ảnh flycam không xứng là ảnh nghệ thuật, hàm lượng sáng tạo không cao. Người chụp chỉ việc đưa thiết bị lên trên không, căn chỉnh góc chụp là có ngay tấm ảnh.
Họ cũng cho rằng ảnh flycam chỉ có duy nhất ánh sáng bẹt. Nó cũng không bắt được khoảnh khắc, thần thái, không có nội dung gì đặc biệt, chỉ là góc chụp trên cao chung chung. Theo phân tích này thì rõ ràng một bức ảnh mà ánh sáng đơn điệu, không có khoảnh khắc, thần thái thì không phải là ảnh nghệ thuật.
Việc liên tục trao giải cao cho ảnh flycam kiểu này làm dấy lên lo ngại như những gì nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận “nóng máu” viết trên mạng: “Qua rồi một thời fish eye (ống kính mắt cá) cứ cong cong là vô giải dù không đúng thực tế. Đến thời flycam cứ ở trên chụp xuống là vô giải, dù có hình ảnh không sắc nét”. Nó có khác gì làm đảo lộn giá trị, thui chột đi sự sáng tạo của nghệ sĩ, cổ vũ cho những tay máy gà mờ.
Nhiều người không ngại so sánh rằng: chấp nhận ảnh flycam trong cuộc thi chuyên nghiệp không khác gì đặt ngang hàng ảnh photoshop, ảnh sắp đặt với ảnh chụp thực. Trong khi các nghệ sĩ khác lăn lộn, vất vả để bắt được cái thần, cái khoảnh khắc có thật hiếm hoi nhằm chuyển tải một thông điệp gì đó đến công chúng thì nhiều người chỉ cần vài cú nhấp chuột hay dàn dựng cảnh diễn là tạo được tấm ảnh độc đáo, không ngờ mà người xem cứ tưởng thật.
Chẳng hạn như mới đây, tác phẩm đoạt giải cao ở một cuộc thi tại Hà Nội bị phát hiện cắt ghép. Nhân vật nữ công nhân được nhân thành hai phiên bản trong bức hình. Hay người ta phơi nắng chim non đến chết, dời tổ, nhử chim mẹ cho chim non ăn hòng có được tấm ảnh đẹp để... truyền đạt tình mẫu tử thiêng liêng. Thông điệp nhân văn, khoảnh khắc đời thường ấy bỗng dưng trở nên gian trá, giả tạo. Để công bằng cần phải có sân chơi riêng cho ảnh cắt ghép, photoshop. Công khai minh bạch như vậy, người xem mới không bị đánh lừa.
Ảnh chụp bằng flycam không phải giả tạo nhưng có cảm tưởng ảnh nào cứ chụp trên không là đẹp lung linh như trở bàn tay mà không cần nhọc công nhiều vì nó vốn sẵn tiện ích như thế. Xưa, nếu các nhà nhiếp ảnh muốn có góc máy đầy khoáng đãng thì họ phải ôm máy leo lên nóc nhà cao tầng, ngọn cây, treo máy lên chùm bong bóng...
Nhà báo Giản Thanh Sơn thì lên máy bay trực thăng để chụp TP Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh gia Duy Anh thì leo lên tháp ăng ten Bưu điện tỉnh để chụp TP Mỹ Tho... Nay, có flycam thì chỉ cần biết điều khiển là xong xuôi. Đoạt được giải nghe có vẻ dễ như ăn cháo?! Giới tẩy chay ảnh flycam bất bình vì các cuộc thi trong nước đều chấp nhận ảnh flycam trong khi nhiều cuộc thi quốc tế không chấp nhận loại ảnh này vì cho đó là ảnh của cái máy chứ không phải ảnh của con người.
Năm nay, cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam lần 5 – 2016 vẫn tiếp tục nhận ảnh flycam. Bà Lê Thanh Hải, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Heritage, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định: “Chúng tôi không câu nệ giữa ảnh chụp bằng flycam hay thiết bị kỹ thuật nào, miễn ảnh đẹp và độc đáo, ban tổ chức sẽ chấp nhận”.
Nên có một cuộc thi riêng cho ảnh flycam?
Trái ngược với luồng ý kiến tẩy chay, ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam “phản pháo”: “Theo tôi, flycam thuần túy là phương tiện kỹ thuật. Nó cũng giống như những phương tiện kỹ thuật khác như ống kính wide (chụp góc rộng), tele (chụp xa) hay macro (chụp cận cảnh) nhưng thay vì nhà nhiếp ảnh cầm máy ở dưới đất thì giờ là điều khiển phương tiện trên cao.
Một tác phẩm chụp bằng flycam tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2015. |
Như vậy, giữa ảnh chụp dưới đất và ảnh chụp trên cao về mặt tư duy là hoàn toàn giống nhau. Thậm chí chụp bằng flycam còn khó hơn chụp dưới đất vì việc chọn bố cục rất khó. Để điều khiển phương tiện bay không người lái này dừng ở vị trí nào, chụp ra sao đòi hỏi người cầm máy vừa phải thao tác quen, khéo léo, vừa có kỹ năng và tư duy về nhiếp ảnh”.
Cùng quan điểm trên, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long cho rằng với máy ảnh truyền thống, người chụp chủ động hơn vì các thao tác kỹ thuật đều thực hiện ngay trên máy. Còn chụp bằng flycam thì phải điều chỉnh qua bộ điều khiển từ xa. Nhìn tưởng dễ nhưng thực chất để flycam chụp ảnh không bị rung giữa gió mạnh thì quả là gian nan. Ngoài ra, flycam cũng gần như “bó tay” trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc ngược sáng.
Ông Lê Xuân Thăng quả quyết ảnh flycam không chỉ có ánh sáng bẹt vì camera của flycam xoay được nhiều góc trên không nên ánh sáng cũng đa dạng. Nó cũng có đầy đủ tất cả yếu tố kỹ thuật của bức hình như: ánh sáng, bố cục, màu sắc, chi tiết… và có khoảnh khắc bấm máy hẳn hoi. Nếu xem tác phẩm chụp bằng flycam ở các cuộc thi quốc tế, mới đây nhất là cuộc thi do trang Dronestagram va National Geographic phối hợp tổ chức, thì sẽ thấy sự ảo diệu, tính độc đáo và khoảnh khắc có một không hai.
Một tác giả có ảnh chụp thành phố “nổi” bồng bềnh trong mây đẹp như thần thoại kể rằng anh phải canh liên tục để bấm máy và tranh thủ tận dụng nếu không mây sẽ che mờ hết ngôi nhà. Một bức khác ghi lại cảnh đàn cừu chạy qua cánh đồng xanh mướt, hay cảnh chụp con sóng trên một hòn đảo lượn dài tuyệt đẹp và hiếm gặp...
Có lẽ điều làm nhiều nhà nhiếp ảnh “kỳ thị” với ảnh flycam chính là hai tác phẩm chụp bằng flycam đoạt giải cao trong Liên hoan lần này và cả nhiều ảnh flycam trước đó chưa thể hiện được tính nghệ thuật, không có tính khoảnh khắc mà chỉ thể hiện được mỗi thế mạnh của thiết bị: chụp từ trên cao. Riêng chuyện chất lượng tác phẩm đoạt giải (ngay cả ảnh chụp dưới mặt đất chứ không riêng ảnh flycam) luôn là câu hỏi lớn không lời đáp dành cho hội đồng giám khảo của nhiều cuộc thi nhiếp ảnh Việt Nam lâu nay.
Nếu một nghệ sĩ giỏi, tư duy sáng tạo thì sẽ cho ra tấm ảnh mà người khác phải nghiêng mình. Tính nghệ thuật không phụ thuộc vào thiết bị. Bởi với bất kỳ thiết bị nào, tư duy và góc nhìn của người cầm máy mới mang lại tấm hình có hiệu quả thị giác, thông điệp ý nghĩa. Không một thiết bị nào tự mình tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Flycam không thể tự bay và tự chụp được. Thế nên, không phải người nào có flycam trong tay cũng dễ dàng có được tác phẩm.
Nhiều người đồng tình trước đề xuất nên có một sân chơi riêng cho flycam, tách bạch với ảnh chụp dưới đất. Như vậy các tác phẩm trong cuộc thi đó đều có lợi thế độ cao như nhau, yếu tố quan trọng là tính nghệ thuật sẽ được quan tâm nhiều hơn. Nghệ sĩ chơi flycam buộc phải cố gắng để cạnh tranh với đối thủ chứ không ỷ lại theo kiểu “có mới nới cũ” như trước đây. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thăng, việc để để ảnh flycam với ảnh chụp mặt đất “chọi” với nhau ở cùng một sân chơi là bình thường. “Chúng ta không nên phân biệt giữa ảnh chụp trên không và ảnh chụp dưới đất. Quan trọng là sự định hướng của hội đồng giám khảo. Hội đồng giám khảo chọn ảnh ra sao để khẳng định giá trị đích thực của tác phẩm, thỏa đáng cả người chụp ảnh trên cao và dưới đất” – ông nói.
Nguồn: VNCA/Báo CAND