Văn hóa - Giáo dục

Gắn kết doanh nghiệp đào tạo nhân lực với nhu cầu xã hội

11:00, 14/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhằm tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp, một số trường đại học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tập trung đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp (DN). Đây được xem là động thái tích cực trong công tác đào tạo nhân lực hiện nay, tạo điều kiện để SV làm việc và cống hiến cho địa phương.

 Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội để tăng cơ hội tìm việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp (Trong ảnh: Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Vinh)
Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội để tăng cơ hội tìm việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp (Trong ảnh: Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Vinh)

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Vinh tuyển sinh 5.000 chỉ tiêu cho 5 nhóm ngành. Việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh khi lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội trúng tuyển cao hơn so với hình thức tuyển sinh theo ngành như các năm trước.

Việc xác định các nhóm ngành và mỗi ngành sử dụng chung một mức điểm trúng tuyển giúp các thí sinh đạt điểm chuẩn được vào học chung một nhóm ngành, phổ điểm trúng tuyển rộng hơn đồng nghĩa với việc cơ hội trúng tuyển và được học đúng ngành của thí sinh tăng lên đáng kể.

Sau khi hoàn thành xong giai đoạn 1 (1,5 năm), SV mới bắt đầu đăng ký để học chuyên ngành. Lúc này, SV có thể đăng ký ngành học theo nguyện vọng, khả năng của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội và có thể học 2 ngành cùng một lúc.

Bên cạnh việc xét tuyển theo nhóm ngành, thời gian gần đây, Trường ĐH Vinh đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đang là vấn đề được ngành giáo dục quan tâm. Trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 8 vừa qua, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, địa phương cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với điều kiện tiềm lực con người và yêu cầu thực tế.

Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ ra, Trường ĐH Vinh cũng như các trường đại học khác phải bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khảo sát nhu cầu việc làm, liên kết với các DN để tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

Những năm gần đây, số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2015, cả nước có trên 200.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 20% tổng số lao động thất nghiệp. Trong quý 1/2016, cả nước có hơn 1.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Giải thích về tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, một trong những nguyên nhân đó là chúng ta đang đào tạo những ngành nghề và kỹ năng nhà trường có chứ không đào tạo ngành nghề xã hội cần. Trong khi đó, thị trường cần lao động có kỹ năng mềm và những người thợ lành nghề.

Thực tế cho thấy, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội vẫn đang là vấn đề trăn trở của các trường đại học, cao đẳng khi các nhà trường có vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Hiện nay, Trường ĐH Vinh đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, có nghĩa là: Hình thành ý tưởng - thiết kế ý tưởng - thực hiện và vận hành). Đây được coi là hướng đi mới trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Việc tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, phù hợp xu thế, khuynh hướng phát triển của thế giới, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Với chương trình đào tạo này, chuẩn đầu ra yêu cầu SV phải có năng lực, kiến thức và lập luận ngành; các kỹ năng, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; các kỹ năng, phẩm chất xã hội và năng lực áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn. Có thể hiểu nôm na rằng, với hướng tiếp cận CDIO hứa hẹn đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ, kỹ năng thực hành, cọ xát thực tế và có khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Một trong những nội dung quan trọng để tăng cơ hội tìm việc làm cho SV đó là tăng cường gắn kết, hợp tác với các DN để tích hợp nâng cao chất lượng đào tạo, tăng khả năng thực hành để SV được cọ xát trong môi trường làm việc.

Thời gian qua, Trường ĐH Vinh đã ký kết hợp tác với nhiều DN như: Ngân hàng HP Bank Vinh, Viễn thông Nghệ An, Tập đoàn TH... bao gồm hợp tác về đào tạo, chuyển giao công nghệ; tuyển dụng, sử dụng nhân lực; xây dựng quỹ khuyến học cho SV. Theo đó, phía DN góp ý vào chương trình đào tạo, thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu việc làm cho SV, đề ra các yêu cầu tuyển dụng của DN và định hướng giúp SV hoàn thành các yêu cầu trên.

Tại buổi làm việc với Trường ĐH Vinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ, để đáp ứng công tác đào tạo cho xã hội, nhà trường phải tập trung xây dựng đề án tái cấu trúc cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung chú trọng vào ngành mũi nhọn, các ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, nhà trường cũng đang trong quá trình chuẩn bị để tiến hành tái cấu trúc Trường.

Lãnh đạo Trường khẳng định, kết quả của việc tái cấu trúc sẽ góp phần tích hợp các chương trình đào tạo, tăng cường tính thực hành, rèn luyện kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các khu công nghiệp, nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ.

Để công tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó các trường đại học cần phải quan tâm đến đầu ra của SV, hỗ trợ, tạo cơ hội cho SV trong tìm kiếm việc làm chứ không chỉ chú trọng vào công tác tuyển sinh. Hy vọng rằng, với những đổi mới trong hình thức đào tạo của Trường ĐH Vinh, công tác đào tạo nhân lực của nhà trường sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, mở ra cơ hội cho SV sau khi tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.

Huyền Thương

Các tin khác