Văn hóa - Giáo dục

Cần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

10:44, 10/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lưu giữ làng nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, tác động của cơ chế thị trường cùng với quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến cho nhiều làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng, trong đó không ít làng nghề đã bị mai một.

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020, trong giai đoạn 2011 - 2016, Liên minh hợp tác xã (HTX) và các huyện, thành, thị trong tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề. Nhờ vậy, đến nay, các làng nghề trong tỉnh đã có sự thay đổi lớn về cả số lượng lẫn chất lượng. Qua đó, không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo công ăn việc làm, tăng giá trị sản xuất, thu nhập cho người lao động.

Chị Lương Thị Lan ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương miệt mài bên khung cửi
Chị Lương Thị Lan ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương miệt mài bên khung cửi

Tính đến hết năm 2015, Nghệ An có 139 làng nghề, trong đó nghề mây tre đan chiếm số lượng nhiều nhất là 44 làng với 10.082 lao động. Tuy nhiên, đây cũng là nghề cho thu nhập thấp và bấp bênh nhất hiện nay.

Trong khi đó, nghề mộc dân dụng mỹ nghệ, đóng tàu thuyền, trống chỉ có 21 làng nhưng mức thu nhập bình quân lại gấp 12 lần so với nghề mây tre đan. Ngoài ra còn có nghề dệt thổ cẩm, móc sợi, dâu tằm tơ với 11 làng. Có thể thấy, hoạt động làng nghề khá phong phú, sản phẩm đa dạng, trong đó có một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều làng nghề đang hoạt động cầm chừng, hoặc đã ngừng hoạt động.

Miền Tây xứ Nghệ luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách gần xa một phần bởi nơi đây còn lưu giữ được sắc màu thổ cẩm. Những tấm khăn choàng, những chiếc váy có màu sắc bắt mắt với họa tiết hoa văn phong phú luôn chiếm được tình cảm của những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này.

Trước đây, nghề dệt thổ cẩm ở huyện Kỳ Sơn mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nơi đây, góp phần giúp người dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang hoạt động cầm chừng, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống giờ chỉ còn lại trong hồi ức của các già làng, hoặc may mắn một vài người biết và giữ nghề.

Nhờ phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm nên ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn hiện có 114 hộ có nhiều bước chuyển mình. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, phụ nữ nơi đây lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm văn hóa truyền thống. Do bị sản phẩm của các ngành khác lấn át, cạnh tranh nên có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, nhớ đến tổ tiên, người dân bản Noọng Dẻ vẫn quyết tâm giữ nghề, người đi trước  truyền lại cho thế hệ con cháu với mong muốn nghề truyền thống của cha ông sẽ mãi được lưu giữ...

Tháng 3/2016, người dân xóm Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ vui mừng, phấn khởi đón bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh. Từ lâu đời nay, người dân xã Tiên Kỳ nói chung và bà con xóm Thái Minh nói riêng đã có truyền thống dệt thổ cẩm để làm trang phục cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Bằng những nguyên, vật liệu từ thiên nhiên, người dân địa phương đã dệt nên những sản phẩm đẹp mắt, có ý nghĩa và có giá trị trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, chưa mang lại giá trị kinh tế cao đến khi được công nhận đạt tiêu chuẩn làng có nghề theo Quyết định số 3881/QĐ.UBND ngày 9/11/2009, làng nghề Thái Minh đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành. Sản phẩm đầu ra ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo thống kê, năm 2015, làng sản xuất được hơn 20.000 sản phẩm các loại, đưa tổng thu nhập của làng đạt khoảng 2,6 tỉ đồng. Các nhóm sản xuất của làng nghề tích cực kết nối và tìm hiểu thị trường để bao tiêu sản phẩm tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn; tham gia Hội chợ sản phẩm thổ cẩm dân tộc tại huyện và tỉnh…

Dệt thổ cẩm là nghề rất có tiềm năng phát triển, góp phần bảo tồn, lưu giữ văn hóa dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều địa phương, nghề này vẫn đang hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ lẻ, hướng sản xuất chưa cao. Nghề dệt thổ cẩm thủ công đang đứng trước sự cạnh tranh về số lượng, mẫu mã, giá thành của các sản phẩm dệt công nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa quan tâm đến việc hình thành và phát triển các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tại các làng, nên không có “bà đỡ” để cung ứng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo thị trường đầu ra…

Để bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chính quyền các địa phương cần bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với bảo tồn ngành nghề truyền thống và du lịch làng nghề. Cần tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá… Đặc biệt, vận động thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp làm “bà đỡ” cho làng nghề phát triển bền vững.

Phan Tuyết

Các tin khác