Văn hóa - Giáo dục
Phó Thủ tướng: Đổi mới giáo dục cần kiên trì nguyên tắc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới giáo dục có những bước trung gian, cần kiên trì tuân thủ nguyên tắc “bất di, bất dịch” về triết lý giáo dục, phù hợp với xu thế của thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, sáng 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm học vừa qua ngành giáo dục cũng như các địa phương đã dành sự quan tâm rất lớn, làm nhiều việc cụ thể, thực hiện chủ trương coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị của ngành giáo dục, sáng 5/8 |
Đề cập những thay đổi tích cực trong kỳ thi THPT quốc gia qua 2 năm (2015, 2016) như giảm từ 4 đợt thi xuống 1 kỳ thi, tổ chức ở tất cả các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng việc đổi mới thi cử cần phải tiếp tục đến bước cuối cùng theo đúng xu thế quốc tế, phổ thông là phổ thông, các trường đại học tự chủ tuyển sinh.
“Tuy nhiên, chúng ta phải thống nhất quan điểm việc đổi mới giáo dục, đào tạo chắc chắn không làm ngay được tất cả trong một lúc và cần có bước, khâu trung gian chuyển đổi với những điểm tốt, có lợi và cả bất cập, hạn chế”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý “các bước đi cụ thể” phải tuân thủ nguyên tắc “bất di, bất dịch” đã được nêu trong Nghị quyết 29 như: Triết lý giáo dục là khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn của con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức công dân toàn cầu; phù hợp với xu thế của thế giới về thi cử, nhận xét, đánh giá học sinh thay cho chấm điểm, các mô hình giáo dục mới, định hướng phân luồng...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng các bước đổi mới giáo dục phải phù hợp với điều kiện của đất nước.
Đơn cử như chủ trương cấm dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh việc khắc phục bất cập, hạn chế liên quan đến thi cử, tâm lý xã hội, kể cả tính gương mẫu của giáo viên, thì cần phải có đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu làm được như vậy thì áp lực dạy thêm, học thêm cũng bớt đi.
Tương tự, đối với việc thực hiện tự chủ ở các trường đại học cũng cần có các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp để các trường đầu tư, tự chủ về tài chính, cán bộ, chương trình đào tạo...
Phó Thủ tướng mong muốn ngành giáo dục quán triệt tinh thần “thực sự coi học sinh là trung tâm” từ những việc rất cụ thể như đổi mới khai giảng, cải tạo khu vệ sinh ở các trường học, rèn luyện tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động.
“Chúng ta phải quyết tâm làm đúng với tinh thần vì các cháu với triết lý, với mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn: Chinhphu.vn