Văn hóa - Giáo dục

'Thư viện sách sống' - Cơ hội chia sẻ của những người 'yếu thế'

10:20, 05/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Mới đây, mô hình “Thư viện Sách Sống” đã được thực hiện tại Việt Nam với mong muốn tạo cho những người "yếu thế" trong xã hội cơ hội được nói, được lắng nghe và cảm thông.

Đây là mô hình “Thư viện Sách Sống” đầu tiên tại Việt Nam do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến và Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức, được cấp phép bởi Human Library Đan Mạch. Nơi đây, mỗi cuốn sách là một con người thật, đại diện cho những nhóm người phải chịu nhiều định kiến trong xã hội chia sẻ về câu chuyện phía sau cuộc sống của họ.

Ban tổ chức hy vọng chương trình truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, nghị lực sống, vượt qua những nổi đau, mất mát, cùng với đó đặt nền móng cho sự bình đẳng và nhân văn trong xã hội - Ảnh minh họa
Ban tổ chức hy vọng chương trình truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, nghị lực sống, vượt qua những nổi đau, mất mát, cùng với đó đặt nền móng cho sự bình đẳng và nhân văn trong xã hội - Ảnh minh họa

Dự án “Thư viện Sách Sống”  - The Human Library ra đời vào mùa xuân năm 2000 từ ý tưởng của Ronni Abergel, Dany Abergel, Christoffer Erichsen và Asma Mouna từ Copenhagen, Đan Mạch. Hiện nay, dự án đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, từ Phần Lan, Bỉ, Canada cho đến Úc, Đài Loan, Bồ Đào Nha, và danh sách không chỉ dừng ở đó.
“Thư viện Sách Sống” đem đến cho độc giả cơ hội quý báu trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu hơn nỗi đau, trở ngại trong cuộc đời của chính những người trong cuộc theo các chủ đề như: trầm cảm, ma túy, mại dâm, đồng tính…

Mỗi số phận đại diện cho những nhóm người phải chịu nhiều định kiến, gièm pha trong xã hội đã cất lên tiếng nói về cuộc sống của họ. “Cuốn sách sống” đầu tiên đến với các độc giả khi tới thư viện này là một nữ nạn nhân bị lừa bán qua biên giới. Được giải cứu trở về nước, chị vẫn tiếp tục phải kiếm sống bằng con đường bán dâm. Nội dung của cuốn sách này là quãng đời đầy đau đớn và tủi nhục của một phụ nữ bị lừa dối.

“Tôi muốn tâm sự để mọi người thông cảm, biết hoàn cảnh của tôi bị xô đẩy như thế nào”, chị Hoàng Thị H - Nạn nhân buôn người chia sẻ.

Sách ở thư viện này không có nội dung hư cấu. Tất cả đều là con người với những câu chuyện có thật do chính các nhân vật trải qua và kể lại.

Với những người tham gia dự án “Thư viện Sách Sống”, điều khó khăn đầu tiên là tìm được nhân vật với câu chuyện có ý nghĩa. Gian nan hơn là thuyết phục mỗi nhân vật sẽ mở lòng kể những bất hạnh, đau đớn nhất của cuộc đời mình.

Bà Lê Anh Thư, Trưởng ban tổ chức chương trình chia sẻ, Việt Nam đang ngày càng phát triển và hội nhập, bên cạnh những đổi mới về tư tưởng xã hội, vẫn còn tồn tại không ít những suy nghĩ bảo thủ, lệch lạc về những người được coi là "khác biệt" với số đông. Chính điều đó đã khiến cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn, vấp phải nhiều cản trở để được sống làm chính mình.

Ban tổ chức hy vọng chương trình truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, nghị lực sống, vượt qua những nổi đau, mất mát, cùng với đó đặt nền móng cho sự bình đẳng và nhân văn trong xã hội.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác