Văn hóa - Giáo dục
Y phục có xứng kỳ đức?
Câu chuyện Hoa hậu Việt Nam 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị quay khi phì phèo thuốc lá trong quán cà phê, rồi bị "tố" say xỉn... vẫn là chủ đề nóng được bàn tán rôm rả những ngày gần đây. Vấn đề càng trở nên nóng hơn khi chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ Duyên sẽ trao vương miện cho người đẹp đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016. Chắc hẳn, Kỳ Duyên khó có thể "hạ cánh an toàn" vì hàng loạt scandals trong thời gian giữ vương miện. Xung quanh những lùm xùm của Kỳ Duyên, có rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm...
Lại nóng chuyện quản lý hình ảnh nghệ sỹ
Rất nhiều ý kiến trái chiều sau khi đoạn video quay cảnh Kỳ Duyên hút thuốc lá được đăng tải trên mạng internet. Có ý kiến cho rằng, Kỳ Duyên hút thuốc lá tại khu vực được phép, hút thuốc lá không có gì xấu nên cũng không có gì phải "đao to, búa lớn". Bên cạnh đó, những người ủng hộ Kỳ Duyên còn đưa ra dẫn chứng rằng, nhiều nghệ sỹ, người mẫu tên tuổi trên thế giới thường xuyên hút thuốc để… giữ vóc dáng. Tuy nhiên, làn sóng khán giả đòi tẩy chay Kỳ Duyên chiếm thế áp đảo.
Một hội đồng xem xét xử lý sự việc gồm đại diện các đơn vị tham gia Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, đại diện Ban Giám khảo cuộc thi đã được thành lập. Không biết hình thức xử lý cuối cùng mà Hội đồng này đưa ra thế nào nhưng rõ ràng, với Kỳ Duyên, cô đã có một nhiệm kỳ hoa hậu "đáng nhớ" với hàng loạt tai tiếng.
Những lời xin lỗi "có cánh" mà Kỳ Duyên đăng tải trên mạng xã hội kiểu như "không thận trọng khi thể hiện cá tính, chiều chuộng cá nhân bằng những hành động dễ gây tranh cãi với cộng đồng", "đội chiếc vương miện trên đầu càng phải sống có trách nhiệm hơn", "những sai lầm thời tuổi trẻ, sẽ giúp bản thân trưởng thành hơn trong tương lai..." càng khiến khán giả "nổi nóng". Rất nhiều người lên tiếng chỉ trích, yêu cầu Kỳ Duyên vì lòng tự trọng mà nên chủ động trả lại vương miện cho Ban Tổ chức.
Hình ảnh Kỳ Duyên hút thuốc lá trong quán cà phê đang gây nên những luồng dư luận trái chiều. |
Trước khi video Kỳ Duyên hút thuốc lá xuất hiện, đương kim Hoa hậu cũng có không ít hình ảnh xấu bị phát tán trên mạng internet. Đầu tiên là hình ảnh cô ngủ trên máy bay trong tư thế "phản cảm", sau đó là hình ảnh cô để mẹ đẩy xe chở đồ khi cùng mẹ ra sân bay, hình ảnh Kỳ Duyên quảng cáo nệm bị cắt dán, đưa lên bìa đĩa phim khiêu dâm nước ngoài…
Khi đó, rất nhiều người lên tiếng về vấn đề quản lý hình ảnh hoa hậu, văn nghệ sỹ và cho rằng, Kỳ Duyên cũng chỉ là nạn nhân của sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý hình ảnh. Điều này không phải không có lý. Người nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay thường chưa có ekip quản lý hình ảnh riêng nên thiếu người tư vấn, hỗ trợ về mặt hình ảnh.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến người nổi tiếng thường bị "bắt gặp" trong hình ảnh không đẹp hoặc hình ảnh của họ bị sử dụng vào mục đích xấu. Nếu có một ekip giúp tư vấn, quản lý hình ảnh chuyên nghiệp thì có lẽ Kỳ Duyên sẽ hạn chế được những rắc rối không đáng có trong thời gian qua.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, quản lý hình ảnh phải gắn liền với quá trình xây dựng hình ảnh. Bên cạnh một ekip tư vấn chuyên nghiệp thì người nổi tiếng phải có ý thức xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Quay trở lại câu chuyện của Kỳ Duyên, tôi cho rằng, đương kim hoa hậu đang thiếu ý thức xây dựng hình ảnh của mình.
Tư thế ngủ xấu, hút thuốc lá, có thể là "chuyện thường ngày ở huyện" trong giới trẻ nhưng điều đó rất nên tránh với một hoa hậu. Dù gì đi chăng nữa, Kỳ Duyên đang được coi là biểu tượng của trí tuệ, nhan sắc Việt với những phẩm chất đặc trưng, truyền thống của phụ nữ Việt là công, dung, ngôn, hạnh. Thật khó hình dung một người được vinh danh trong cuộc thi nhan sắc danh giá, uy tín lại có cách ứng xử bồng bột, thiếu suy nghĩ như vậy.
Là hoa hậu - người của công chúng, Kỳ Duyên phải nhận thức được rằng, "nhất cử, nhất động" của mình đều có thể bị hàng trăm, hàng ngàn người dõi theo. Cô vẫn phải có cuộc sống riêng của một người trẻ với các mối quan hệ, công việc, học tập... nhưng nó không thể tự do, thoải mái như cuộc sống của những người bạn khác cùng trang lứa. Nhiệm vụ của hoa hậu là phải nhân lên, lan tỏa cái đẹp trong cộng đồng chứ không phải khiến khán giả nhớ đến bằng những scandals.
Hoa hậu phải xứng danh
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đang tiến gần hơn đến đêm chung kết xếp hạng. Trong bối cảnh nở rộ các cuộc thi nhan sắc, người mẫu trên truyền hình hiện nay, sức hút của cuộc thi có phần giảm sút, tuy nhiên, vẫn có hàng ngàn cô gái trẻ tìm đến cuộc thi này với mong muốn được tỏa sáng. Làm sao để tìm được người thực sự xứng đáng với ngôi vị hoa hậu là điều mà rất nhiều người trăn trở.
Nhìn lại cuộc thi hoa hậu Việt Nam mấy năm trở lại đây, có thể thấy rằng, không ít hoa hậu dính scandal ngay sau khi đăng quang. Điều này khiến khán giả phải đặt câu hỏi rằng, liệu người được lựa chọn đã thực sự xứng đáng?
Làm sao để tìm ra người thực sự xứng đáng ngôi vị hoa hậu là điều rất được quan tâm. Trong ảnh: Thí sinh trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 khu vực phía Bắc diễn ra ở Tuần Châu, Hạ Long hôm 17-7 vừa qua. |
Ngay sau khi đăng quang hoa hậu Việt Nam 2008, Thùy Dung đã bị "tố" là chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, Đặng Thu Thảo, Hoa hậu Việt Nam 2012 dính lùm xùm khai báo không trung thực về trình độ học vấn, sau đó là Kỳ Duyên với hàng loạt scandals về hình ảnh. Không ít hoa hậu sau khi đăng quang bị đánh giá là "kém xinh"...
Bốn hoa hậu là Thùy Dung, Ngọc Hân (đăng quang năm 2010), Đặng Thu Thảo, Kỳ Duyên đều không được hoặc từ chối đại diện nhan sắc Việt tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Một câu hỏi đặt ra là, những người đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam cần có trách nhiệm đại diện cho Việt Nam tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế hay không?.
Một điều nữa cũng dễ nhận thấy trong "quy luật" lựa chọn hoa hậu Việt là dường như có phần ưu ái với người trẻ. Nhiều hoa hậu đăng quang khi mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Có lẽ, Ban Giám khảo nhìn thấy ở họ tiềm năng phát triển, vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng sẽ dần hoàn thiện qua thời gian.
Chúng tôi cho rằng, hoa hậu là một danh hiệu cao quý và người được vinh danh, bản thân họ đã phải "tiệm cận" đến sự hoàn hảo chứ không phải là cuộc hành trình dài đi từ "tiềm năng" đến sự "hoàn thiện". Những người trẻ, họ có thể có sắc đẹp, vóc dáng nhưng lại thiếu sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống, nền tảng tri thức, cách ứng xử với công chúng... - điều rất cần ở một hoa hậu.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những người trẻ bởi cũng có người trẻ tài năng nhưng điều quan trọng là phải tìm chính xác để trao gửi sứ mệnh cao cả của một hoa hậu.
Bước ra từ cuộc thi lớn, phút chốc trở thành tâm điểm của truyền thông, chắc chắn hoa hậu - dù là người có nhiều kinh nghiệm cũng cảm thấy choáng ngợp. Hoa hậu rất cần được Ban Tổ chức cuộc thi, các đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin, giúp họ tăng cường công tác quản lý hình ảnh cũng như hướng dẫn, tư vấn cách ứng xử với truyền thông, với công chúng, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Tìm kiếm được một người tài sắc đã khó, việc xây dựng và lan tỏa cái đẹp đó đến cộng đồng lại càng khó hơn gấp nhiều lần.
Trở lại câu chuyện của hoa hậu Kỳ Duyên, tôi tự hỏi, liệu ánh hào quang showbiz có phải là nguyên nhân khiến cô rơi vào những lùm xùm không đáng có? Nếu Kỳ Duyên chỉ đơn giản là một cô sinh viên 20 tuổi trẻ trung, xinh đẹp, không gánh trên vai bất cứ sứ mệnh nào thì có lẽ cuộc sống của cô sẽ không bị bủa vây bởi những ồn ào, thị phi. Phải chăng mọi thứ bắt đầu từ cái danh xưng hoa hậu. Nếu y phục không xứng kỳ đức, nếu tâm thế chưa sẵn sàng để đón nhận trách nhiệm lớn thì có lẽ cũng cần phải mạnh dạn chấp nhận từ bỏ...
Nguồn: VNCA/báo CAND