Văn hóa - Giáo dục

Đảm bảo hợp lý trong mức tăng và miễn giảm học phí

08:52, 28/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mức thu học phí mới phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của người dân và mức học phí phải nằm trong khung quy định của Chính phủ… Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021.

Cơ sở quy định mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí

Ngày 2/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 86 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Trên cơ sở căn cứ vào thực tiễn, từ năm học 2011 - 2012 đến nay, tỉnh Nghệ An chưa được điều chỉnh tăng học phí cho phù hợp với thực tế theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm và tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như mức thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình ở mỗi vùng.

Tăng mức học phí phải phù hợp với tình hình thực tế
Tăng mức học phí phải phù hợp với tình hình thực tế

Bên cạnh đó, mức thu nhập của các tầng lớp nhân dân, chuẩn nghèo do Trung ương quy định đến nay đã có nhiều thay đổi. Kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy, học cho các nhà trường hiện nay rất khó khăn, do kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chưa đáp ứng được các điều kiện tối thiểu hoạt động chuyên môn trong các nhà trường. Vì vậy, việc ban hành mức thu học phí mới thay thế mức thu hiện hành là hết sức cần thiết.

Căn cứ vào cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu học phí mới đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập dự kiến tăng từ 33 - 78% đối với vùng TP Vinh; từ 41 - 93% đối với vùng nông thôn và từ 50 - 83% đối với vùng miền núi so với khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015 của Chính phủ; còn đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, mức thu dự kiến thấp hơn so với khung quy định.

Có thể nói rằng, vấn đề thu và giảm học phí theo nghị định mới là vấn đề hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến phụ huynh, học sinh, nhà trường cũng như đối với các cơ sở giáo dục đào tạo. Nó là điều kiện quyết định đến hoạt động của nhà trường cũng như góp phần rất lớn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Từ ý thức được vấn đề quan trọng và với tinh thần trách nhiệm cao, Sở GD&ĐT Nghệ An trong quá trình soạn thảo để tham mưu cho UBND tỉnh, đã tiến hành khảo sát từ các cơ sở giáo dục, tìm hiểu thực tiễn của nhân dân; tuân thủ các nguyên lý, nguyên tắc, căn cứ pháp lý của Nghị định 86 và quy định khác của Chính phủ.

Từ đó, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, hoàn chỉnh tờ trình để sắp tới trình UBND tỉnh. Tại các phiên họp thường kỳ cũng như tại Hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục được tổ chức vừa qua, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc tăng học phí cần phải được cân nhắc và căn cứ vào mức sống cụ thể của người dân, mức thu học phí mới phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh…

Khó khăn và giải pháp

Góp ý về quan điểm học phí tại Hội nghị phản biện, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Những góp ý, ý kiến này ở tầm vĩ mô, rất xác đáng. Sở xác định được quan điểm về học phí để tạo tính công bằng giữa các cấp học, các vùng miền và tiệm cận dần đến việc miễn giảm học phí cho người dân. Đây là một quan điểm tích cực, tuy nhiên, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao đối với nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị với các điều kiện hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ. Về nhiệm vụ chuyên môn, đang bắt đầu công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 là đổi mới căn bản, toàn diện. Với rất nhiều mô hình, hoạt động, mục tiêu cần phải có kinh phí. Cụ thể như: Để tổ chức được các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức tham quan bảo tàng lịch sử, học sinh đi dã ngoại cần phải có kinh phí. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí chỉ thu được từ phụ huynh đóng góp một phần, còn từ ngân sách trích cho các nhà trường là hầu như không có.

Về nhiệm vụ chính trị, luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đòi hỏi ngày càng cao, nhưng điều kiện lại rất khó khăn, khi từ năm 2015 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục không còn nữa. Những chương trình lớn đem đến hàng nghìn phòng học như chương trình kiên cố hóa giai đoạn 2008 - 2012 đã không còn. Trong bối cảnh hiện nay, tại các nhà trường, tiền xây dựng không thu mà chỉ có tiền tự nguyện của người dân. Một thực tế bất cập xảy ra, đó là nguồn tiền này chỉ thu được ở những nơi thuận lợi, vùng thành thị, đời sống của người dân với mức thu nhập cao. Còn ở những vùng nông thôn, các em đến trường đã là một sự may mắn, nói gì đến đóng góp tự nguyện của các bậc phụ huynh.

Ở những địa bàn này, kinh phí hỗ trợ cho giáo dục từ nguồn xã hội hóa thông qua hình thức tự nguyện này gần như là không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, 5 năm nay, theo điều lệ mới thì không thu học phí của hai cấp học phổ thông và tiểu học. Hơn nữa, việc điều tiết về ngân sách cho tỉnh Nghệ An từ miền núi đến miền xuôi, từ đồng bằng đến các xã khó khăn của thành phố, thị xã, bãi ngang ven biển lại càng khó khăn hơn nữa.

Theo tờ trình, nhiều ý kiến đưa ra mức thu ở bậc học mầm non ở vùng TP Vinh tăng từ 180.000 đồng/học sinh lên 236.000 đồng/học sinh, ở miền núi từ 40.000 đồng/học sinh lên 50.000 đồng/học sinh là hơi cao. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho biết: Sở GD&ĐT Nghệ An thực hiện theo nguyên tắc: Cố thu đủ để bù chi. Với mức học phí như vậy, ở các trường mầm non đã phải chi rất nhiều khoản, đó là trích 40% học phí để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định của TW, dự kiến 60% học phí còn lại thực hiện việc chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng, tiền lương bảo vệ, y tế, văn thư, chi cho các hoạt động giáo dục…

Hơn nữa, mức thu này đã thực hiện 4 năm qua và đã được các bậc phụ huynh chấp nhận. Sở dĩ như vậy, là bởi năm 2012, tỉnh Nghệ An có việc chuyển đổi các trường bán công sang công lập. Theo đó, có Quyết định 87 của UBND tỉnh ban hành mức thu đối với các trường mầm non chuyển đổi ở các vùng thành phố, thị xã. Với các trường mầm non ở miền núi, một điểm mới của Nghị định 86 so với Nghị định 49 là đối tượng miễn giảm được rất nhiều, tác động tăng học phí đối với các đối tượng xã hội cần quan tâm này trong Nghị định 86 với biên độ rất rộng.

Cụ thể, với đối tượng con hộ nghèo, học sinh bị tàn tật, hộ cận nghèo, học sinh thuộc dân tộc thiểu số… không bị tác động, bởi những đối tượng này được miễn giảm học phí; đối tượng con em dân tộc thiểu số vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được giảm 70% học phí; đối tượng học sinh dân tộc miền núi hộ cận nghèo ít bị tác động, vì mức thu học phí tăng không đáng kể, đồng thời được giảm 50%. Như vậy, với con em ở miền núi được miễn giảm học phí rất lớn và Nhà nước có chính sách cấp bù cho đối tượng này từ ngân sách Trung ương.

Như vậy,quan điểm của Sở GD&ĐT mong muốn, việc ban hành quy định mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh không ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng cũng phải đảm bảo tương đối từ nguồn thu này để cùng với ngân sách đảm bảo điều kiện giáo dục trong nhà trường.

Phan Tuyết

Các tin khác