(Congannghean.vn)-Nói về sự thờ ở của giới trẻ đối với âm nhạc dân tộc, một nghệ sĩ đã chia sẻ rằng: “Hãy để tình yêu với âm nhạc dân tộc tự nó thấm vào hồn các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Hãy để các em yêu nó theo cách của mình...Trách nhiệm của chúng ta là phải quảng bá, truyền đạt để các em yêu mến, để âm nhạc dân tộc sống và chảy trong huyết quản các em như tình yêu tổ tiên, nguồn cội...”.
Trong thời đại phát triển và hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một. Theo đó, công tác bảo tồn và phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngày nay, giới trẻ đến với âm nhạc theo thị hiếu hiện đại. Một bộ phận lớn người trẻ tiếp nhận dòng nhạc ngoại lai, xa rời những làn điệu dân gian vốn rất quen thuộc từ thuở nằm nôi.
Số sinh viên theo học chuyên ngành âm nhạc truyền thống ngày càng ít |
Trên thực tế, ngôn từ của những ca khúc nhạc trẻ hiện nay khá dễ hiểu, lại “đánh đúng” vào nhiều cung bậc cảm xúc của một bộ phận giới trẻ nên được nhiều người đón nhận. Phần lớn sinh viên hiện nay cũng không còn mặn mà với các loại hình âm nhạc truyền thống.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An cho biết: Hàng năm, số lượng sinh viên theo học các ngành âm nhạc truyền thống rất ít. Cụ thể, ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống gồm: Đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tam thập lục có 9 sinh viên, dân ca 11 em, múa 21 em. Các em đến với các bộ môn này bởi niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật. Tuy nhiên, vấn đề mà các bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh quan tâm là cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp rất hạn chế.
Bàn về vấn đề này, tại Hội thảo Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Sở VH-TT&DL Nghệ An tổ chức vào đầu năm 2016, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đã có những chia sẻ, đánh giá về trào lưu âm nhạc của giới trẻ hiện nay.
Giáo sư Hoàng Chương nhận định: “Vì nhận thức sai về âm nhạc dân tộc là cổ lỗ, lỗi thời mà một bộ phận giới trẻ vô tình tiếp nhận những dòng nhạc ngoại lai xa lạ, hoặc Tây hóa những giai điệu dân gian, dân tộc vốn quen thuộc với con người Việt Nam”.
Chúng ta không thể ép giới trẻ phải yêu thể loại nhạc này, ghét bỏ loại nhạc kia. Chính vì vậy, đưa bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc để họ yêu và say mê với những làn điệu truyền thống không có nghĩa là bắt họ phải thờ ơ với âm nhạc quốc tế mà phải tìm cách để họ tiếp thu cái mới nhưng vẫn mặn mà với âm nhạc truyền thống.
Đơn cử như, lâu nay, trên thị trường âm nhạc xuất hiện nhiều ca khúc mới dựa trên các làn điệu dân ca, hòa âm phối khí, với mục đích làm mới các bài hát truyền thống để hướng các bạn trẻ về với các giá trị văn hóa của dân tộc.
Tại Hội thảo, trao đổi với phóng viên, em Lê Thanh Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội chia sẻ: “Hãy để người trẻ đến với âm nhạc bằng tình yêu. Đối với dân ca, để yêu thì trước tiên phải hiểu và được tiếp cận”. Để giới trẻ đến với âm nhạc truyền thống bằng sự tự nguyện, các cấp, ngành liên quan phải tăng cường công tác quảng bá.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Đức cho biết thêm: Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi thuyết minh, các cuộc thi để lựa chọn các em có năng khiếu đến với các loại hình âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, nhà trường cũng phân công giảng viên đến tận những bản làng xa xôi, liên hệ với Trung tâm Văn hóa huyện để tuyển chọn những bạn trẻ có năng khiếu để đưa họ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc.