(Congannghean.vn)-Trước yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng xây dựng nền giáo dục mở, thay đổi cách dạy, cách học, cách đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực người học một cách toàn diện và hài hòa, bậc giáo dục tiểu học phải lựa chọn hướng đi hiện đại và nhân văn trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Theo đó, trong những năm qua, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã triển khai phương án đổi mới giáo dục tiểu học, qua đó tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học.
Mô hình trường học mới VNEN mang lại sự hứng thú học tập cho học sinh |
Dự án mô hình trường học mới VNEN triển khai trên khắp 63 tỉnh, thành phố với tổng số 1.447 trường. Tỉnh Nghệ An triển khai mô hình này từ năm học 2012 - 2013, với 73 trường tiến hành thực hiện. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã được nhân rộng.
Đến năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có trên 290 trường đã triển khai nhân rộng một phần dự án, qua đó tạo nên nhiều chuyển biến tích cực; cụ thể là đổi mới tổ chức lớp học, cách dạy, cách học, đánh giá học sinh, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Tại Nghệ An, xuất phát từ điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương, từng trường, cách triển khai dự án có sự khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tính phù hợp. Vừa qua, Sở đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án mô hình trường học mới VNEN.
Hội nghị chỉ rõ, mô hình này đã góp phần thay đổi tổ chức nhà trường theo hướng hiện đại, nhân bản; đổi mới cách dạy, cách học, cách tổ chức lớp học theo mô hình tự quản, giúp học sinh tự học, nâng cao tính tự giác và tự tin hơn.
Tinh thần thực hiện của mô hình cơ bản đáp ứng, bám sát định hướng Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Trường Tiểu học Châu Khê 1, huyện Con Cuông đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, giáp biên giới Việt - Lào, học sinh là người các dân tộc: Kinh, Thái, Đan Lai. Trường thuộc xã biên giới với phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số nên các em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình học tập và hoạt động.
Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình trường học mới VNEN trên cơ sở “vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm”, công tác dạy học tại Trường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cô Phan Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Châu Khê 1 chia sẻ: Triển khai mô hình trường học mới VNEN, hầu hết giáo viên của Trường đều được tập huấn kỹ về phương pháp tổ chức dạy học, tổ chức lớp học theo hình thức tự quản, tự học, tự đánh giá học sinh dưới sự tổ chức linh hoạt của giáo viên, từ đó dần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện đại và nhân văn.
Nhờ triển khai mô hình một cách linh hoạt, học sinh đã có sự thay đổi nhận thức về mô hình, từ quy định mang tính áp đặt sang thích thú, chủ động. Các em đã mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, trạng thái tinh thần không chỉ ở lớp học mà ở cả gia đình và cộng đồng.
Chính môi trường học tập thân thiện nhờ việc triển khai mô hình đã giúp các em thích đến trường hơn, từng bước xóa bỏ rào cản giữa cô và trò, sự rụt rè, e ngại của học sinh.
Có thể thấy, mặc dù còn gặp những khó khăn trong quá trình triển khai dự án như tâm lý điểm số còn nặng nề ở một bộ phận phụ huynh, thói quen dạy học truyền thống trong một bộ phận giáo viên, một số trường học ở miền núi chưa có sự chuẩn bị tốt... nhưng việc dạy học theo mô hình trường học mới VNEN đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với xu thế phát triển và đổi mới của nền giáo dục hiện nay.
Theo ông Trần Thế Sơn, mô hình này sẽ kết thúc vào cuối năm học 2015 - 2016. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT Nghệ An xẽ xây dựng mô hình trường học mới cho tất cả các trường kể cả trong và ngoài dự án với nội dung chủ đạo là vận dụng linh hoạt các mô hình về đổi mới phương pháp dạy học để từ đó, học sinh được rèn luyện năng lực tự học, năng lực giao tiếp và sự sáng tạo.
Ngoài ra, sẽ tổ chức lại lớp học theo mô hình tự quản theo cách làm của dự án VNEN; đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở cấp trường, cụm trường, hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực dạy và học, đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30...