Văn hóa - Giáo dục
Đề án dạy bơi trong trường học: 'Nằm' trên giấy đến bao giờ?
(Congannghean.vn)-Theo kế hoạch của đề án dạy bơi trong trường tiểu học của Bộ GD&ĐT, bộ môn bơi phải được đưa vào giảng dạy thí điểm. Tuy nhiên đến nay, tại nhiều địa phương trong cả nước và Nghệ An, việc dạy bơi cho trẻ mới chỉ được thực hiện… trên giấy.
Thương tâm những vụ đuối nước
Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 664/BGDĐT-CTHSSV hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Mục tiêu được đưa ra là chậm nhất đến năm học 2014 - 2015, các sở GD&ĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng hình thức phù hợp.
Dạy bơi cho học sinh tiểu học là giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng đuối nước |
Hàng năm, trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Bộ GD&ĐT đều nhắc nhở các địa phương chú trọng thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến nay, rất ít địa phương triển khai được đề án.
Nghệ An là tỉnh có đường bờ biển kéo dài cùng với hệ thống sông hồ dày đặc nên vào mỗi dịp hè, các vụ trẻ đuối nước liên tiếp xảy ra.
Thống kê cho thấy, Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có số trẻ bị đuối nước đứng đầu cả nước. Chỉ tính trong dịp hè năm 2015, đã có 40 trẻ bị thiệt mạng do đuối nước, riêng đầu tháng 5/2015 là 20 trẻ.
Mới đây nhất, vào khoảng 17 giờ ngày 19/4, tại khu vực bãi biển gần Quảng trường Bình Minh, thuộc khối 3, phường Nghi Hương, TX Cửa Lò, em Phan Bá Quảng (SN 1997) trú tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã bị tử vong do đuối nước.
Một vụ việc khác, bé Nguyễn Văn Tình (2 tuổi) trú tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu ra khu vực sông Bến Hải ở gần nhà chơi. Do bờ sông không có lan can nên bé bị trượt chân ngã xuống sông và tử vong.
Dễ nhận thấy, tình trạng trẻ bị đuối nước thường xảy ra ở vùng nông thôn bởi vào dịp hè trẻ được nghỉ học, cùng với thời tiết nắng nóng nên việc tắm sông, hồ là lựa chọn lý tưởng đối với các em. Tuy nhiên, do không biết bơi hoặc không được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước nên khi xảy ra những tình huống bất ngờ, trẻ thường không biết cách xử lý.
Giải pháp tạm thời
Đến nay, đã bước sang năm thứ 6 kể từ ngày Bộ GD&ĐT đưa ra đề án dạy bơi cho trẻ trong trường học nhưng ở Nghệ An vẫn chưa thể triển khai.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đánh giá đề án dạy bơi trong trường học là đề án hay và thiết thực. Hàng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện đề án của Bộ, nhưng đến nay mới chỉ triển khai được việc dạy lý thuyết bơi trong môn giáo dục thể chất. Trên thực tế, việc đầu tư bể bơi trong trường học là điều khó khăn bởi nguồn kinh phí khá lớn, hơn nữa không phải trường học nào cũng có diện tích để xây dựng bể bơi.
Trong khi việc cụ thể hóa đề án dạy bơi trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thì một mùa hè nữa đã cận kề, mang theo nỗi lo lắng về tình trạng đuối nước ở trẻ. Trước tình hình đó, các phòng GD&ĐT Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Thanh Chương đã phối hợp với Huyện đoàn, Trung tâm Văn hóa - Thông tin mở các lớp dạy bơi cho trẻ.
Bằng cách tận dụng những khúc sông suối an toàn và có độ sâu vừa phải, các thầy giáo, đoàn viên thanh niên dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống thường gặp. Những lớp học này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh và các em. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, đến nay, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ban, ngành như Ban ATGT tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về phòng, chống đuối nước ở trẻ. Sở cũng yêu cầu các trường đưa các hình ảnh sông suối và tình trạng đuối nước vào bài học để hướng dẫn và cảnh báo học sinh.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, ngành giáo dục cũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ; đồng thời có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở các em không đi tắm ở những nơi nguy hiểm và không có sự giám sát của người lớn.
Tuy nhiên thiết nghĩ, giải pháp cấp bách và hữu hiệu nhất là Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng triển khai đề án dạy bơi trong trường học để trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh. Có như vậy mới giảm thiểu được tối đa tình trạng đuối nước đau lòng như hiện nay.
Phương Thủy