Văn hóa - Giáo dục

Bảo tàng Nghệ An: Cổ vật 'kêu cứu'

16:53, 25/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau hơn 16 năm xây dựng xong nhà trưng bày, Bảo tàng Nghệ An vẫn “cửa đóng then cài” và chưa một lần mở cửa đón khách tham quan. Nơi đây hiện lưu giữ một khối lượng hiện vật “khổng lồ” và từng được kỳ vọng là điểm đến du lịch, văn hóa của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.

Mòn mỏi… chờ mở cửa

Bảo tàng Nghệ An (trước đây là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nghệ Tĩnh) được thành lập theo Quyết định số 1103 TCUB/QĐ ngày 17/10/1979 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, với nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp, bảo quản tất cả các hiện vật, tài liệu có giá trị tự nhiên và xã hội, phục vụ nhu cầu tham quan và giới thiệu có hệ thống các di sản văn hóa tới công chúng.

Cổ vật nằm im lìm trong kho
Cổ vật nằm im lìm trong kho

Mặc dù đã là năm thứ 35 Bảo tàng đi vào hoạt động nhưng cho đến thời điểm này, số ngày Bảo tàng mở cửa để đón du khách vào tham quan là rất ít. Từ năm 2005 đến nay, mặc dù UBND  tỉnh Nghệ An đã đầu tư 11 tỉ đồng để xây dựng khu nhà trưng bày nhưng Bảo tàng vẫn chưa thể mở cửa. Nguyên nhân chính là do Bảo tàng chỉ có phần vỏ mà chưa có phần nội thất.

Để khắc phục thực tế trên,  ngày 18/6/2010, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ký quyết định phê duyệt Dự án Trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An với tổng kinh phí là 44,2 tỉ đồng và kỳ vọng sau khi công trình hoàn thành sẽ là một điểm đến du lịch gắn với phát huy di sản văn hóa.

Đề án theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm (từ năm 2010 – 2013). Tuy nhiên, trên thực tế, 3 năm đầu tiên, tổng kinh phí đầu tư mới chỉ được 11,5 tỉ đồng và trong số 11 gói thầu chỉ mới cơ bản xong phần cải tạo, xây dựng nhà dịch vụ, phòng khánh tiết và gói sưu tầm hiện vật; các gói khác đang cầm chừng vì chờ kinh phí.

Từ tháng 6/2013, Dự án được chuyển sang chủ đầu tư mới là Ban Quản lý dự án các công trình văn hóa du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn triển khai cầm chừng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Công Vinh, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình văn hóa du lịch Sở VH-TT&DL cho biết: “Vào thời điểm chúng tôi tiếp nhận thì 3 gói nội thất (5 - 6 - 7) đang được triển khai. Gói cải tạo nhà trưng bày và nhà dịch vụ đã hoàn thiện và đang được quyết toán.

Chúng tôi cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ nhưng kinh phí cấp nhỏ giọt (trong 2 năm mới chỉ được 3,5 tỉ đồng). Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, gói dự án số  5 (gian trưng bày khánh tiết và chủ đề 1) mới hoàn thành được 67% hạng mục công trình; gói dự án số 6 (trưng bày chủ đề 2 - 3 - 4 - 5) hoàn thành 77% hạng mục công trình; riêng gói dự án trưng bày ngoại thất có giá trị hơn 11 tỉ đồng (gồm xây dựng sân vườn, phòng cháy chữa cháy, điện nước, chống mối, cây xanh; sưu tầm phục dựng đình làng; sưu tầm phục dựng nhà truyền thống dân tộc Mông, dân tộc Thái) chưa triển khai được hạng mục nào do chưa có kinh phí.

Khắc phục tồn tại

Trước những vấn đề này, tại cuộc họp báo cuối  tháng 3/2016, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành văn hóa rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện Dự án; đồng thời giao các ngành liên quan tổ chức kiểm tra thực tế, đánh giá cụ thể chính xác thực trạng của Bảo tàng Nghệ An. Từ đó lập tờ trình kế hoạch triển khai và kinh phí để thực hiện, cố gắng trong thời gian sớm nhất phải đưa bảo tàng vào hoạt động phục vụ du khách.

Theo thống kê, hiện Bảo tàng Nghệ An đang chứa  một kho cổ vật đồ sộ với hơn 25.000 tài liệu, hiện vật quý giá. Trong đó, nhiều nhất là hiện vật về khảo cổ học, hiện vật dân tộc học, hiện vật cách mạng kháng chiến.

Bên cạnh đó, còn có hơn 1.000 tiêu bản động thực vật. Số hiện vật này bao gồm nhiều chất liệu như đá, đồng, sắt, đất nung, gốm sứ, xương, giấy, vải, thú nhồi bông, mây, tre, nứa, lá, gỗ… Tuy được đánh giá rất cao về giá trị và là một trong những bảo tàng có số lượng hiện vật phong phú nhất nhưng hầu hết các hiện vật đều đang rơi vào tình trạng bảo quản sơ sài, thiếu sự đầu tư, quan tâm. Vì thế, việc hư hỏng, xuống cấp là điều không thể tránh khỏi.

Nói về thực trạng của Bảo tàng Nghệ An hiện nay, ông Nguyễn Đức Kiếm, quyền Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết thêm: Hiện, công tác nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, kiểm kê, phục chế tài liệu, hiện vật của Bảo tàng còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều hiện vật có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị ôxy hóa, ăn mòn, biến chất, hư hỏng…

Bảo tàng hiện đang thiếu phương tiện chuyên dụng để bảo quản tài liệu, hiện vật trong khi số lượng hiện vật cần tu sửa, phục chế ở Bảo tàng là vô cùng lớn nhưng số người đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công việc trên lại rất ít...

Hoàng Trinh

Các tin khác